Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Soi vũ khí các đội đấu 'Xạ thủ bắn tỉa' ở Army Games 2021

(VTC News) -

Các xạ thủ sẽ thực hiện tổng cộng bài bắn 13 trong nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” và sử dụng 3 loại súng bộ binh khác nhau.

Nếu như ở Belarus, các đội tuyển tham dự nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” sử dụng các loại súng trường bắn tỉa chuyên dụng dành cho lực lượng đặc biệt thì nội dung thi ở Việt Nam lại là các dòng súng bộ binh tiêu chuẩn.

Cụ thể, trong 13 bài bắn thuộc 4 giai đoạn của nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” vừa khởi tranh ở Việt Nam vào sáng 31/8, xạ thủ các đội sẽ lần lượt thực hiện các bài bắn với súng trường bắn tỉa SVD, súng trường tấn công AK-74 và súng ngắn Makarov.

Đội tuyển bắn tỉa Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lễ khai mạc Army Games 2021 tại Việt Nam vào sáng nay 31/8. 

Súng trường bắn tỉa SVD

SVD Dragunov là dòng súng trường bắn tỉa bán tự động do thiết kế sư Yevgeny Dragunov phát triển cho quân đội Liên Xô, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1963. Nó sử dụng cỡ đạn tiêu chuẩn 7,62x54mm, tương tự như loại trang bị cho mẫu súng trường Mosin mod 1891 nổi tiếng. Dù khác nhau về chiều dài thân đạn, nhưng cỡ đạn 7,62mm tới tận thời điểm hiện tại vẫn là một trong những cỡ đạn tiêu chuẩn cho cả quân đội Nga (7,62x54mm) và khối NATO (7,62×51mm).

Tương tự như súng trường tấn công AK-47, súng trường bắn tỉa SVD cũng là mẫu vũ khí cá nhân được coi là huyền thoại. Dòng vũ khí này được Liên Xô và nhiều quốc gia trên thế giới chế tạo và đưa vào trang bị cho tới ngày hôm nay với nhiều biến thể khác nhau.

Xạ thủ bẳn tỉa Việt Nam huấn luyện với súng trường bắn tỉa SVD. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Dù mang tên gọi là súng trường bắn tỉa, nhưng vai trò chính của SVD lại là vũ khí hỏa lực hỗ trợ bộ binh. SVD được quân đội Liên Xô chấp nhận vào trang bị với vai trò là vũ khí hỗ trợ hỏa lực tầm xa cho bộ binh với tầm bắn hiệu dụng khoảng 800-1.000m.

SVD Dragunov được thiết kế theo nguyên lý tối ưu cho sự đơn giản, tiện dụng, dễ sửa chữa. Nòng súng được kéo dài giúp tăng tầm bắn và ổn định đạn đạo của mỗi phát bắn. Kết cấu khương tuyến 4 trục giúp tạo ra sơ tốc đầu nòng tương đương 830m/s. Với hộp tiếp đạn 10 viên, SVD Dragunov có tốc độ bắn 30 phát/phút đủ để cung cấp mật độ hỏa lực áp chế ở tuyến đầu.

Súng trường bắn tỉa SVD Dragunov. (Ảnh: Firearm Blog)

Nhắc tới súng bắn tỉa, một yếu tố quan trọng chính là kính ngắm. SVD Dragunov sử dụng kính ngắm PSO-1 được lắp trên thân súng thông qua bộ gá chuyên dụng. PSO-1 có độ khuếch đại 4x, cung cấp khả năng quan sát tới 1.200m. Trên kính ngắm có hồng tâm và thang tính điểm rơi của đạn để xạ thủ có thể lấy đường ngắm chính xác nhanh nhất có thể.

Súng trường tấn công AK-74

Nối tiếp thành công của khẩu AK-47, từ đầu những năm 1970, Liên Xô đưa vào trang bị súng trường tấn công AK-74 với nhiều điểm cải tiến bên cạnh việc giữ lại những ưu điểm tuyệt vời của “người tiền nhiệm”.

Sự ra đời của AK-74, được xem là cách Liên Xô khắc phục các nhược điểm vốn có trên AK-47 sau hơn 20 năm phục vụ hoặc xa hơn là tạo tiền đề cho một mẫu súng trường tấn công tương lai. Và chính nó đã giúp quân đội Nga không quá tụt hậu so với các nước phương Tây sau khi Liên Xô tan rã.

Kể từ năm 1991, AK-74M trở thành mẫu súng trường tấn công tiêu chuẩn của quân đội Liên Xô và sau đó là quân đội Nga thay cho AK-74. Bản thân biến thể này sở hữu các cải tiến rất đáng chú ý cho phép nó có thể phục vụ lâu dài trong Quân đội Nga thêm nhiều thập kỷ nữa trước khi một mẫu súng trường tấn công tương lai khác ra đời.

Súng trường tấn công AK-74M. (Ảnh: RG)

Về cơ bản AK-74M vẫn giữ các nét đặc trưng trên AK-74 nhưng đi kèm một số cải tiến nhỏ nhằm tối ưu hóa mẫu súng này. Như cải tiến độ chính xác, giảm độ giật khi bắn và ngăn bụi, thay đổi vật liệu chế tạo súng từ gỗ và kim loại sang vật liệu tổng hợp và sợi carbon giúp súng nhẹ và bền hơn.

AK-74M có chiều dài cơ sở khi mở báng là 943mm và gấp báng là 705mm, chiều dài nòng súng 415mm. Dù nói AK-74M được chế tạo bằng vật liệu mới nhưng trọng lượng của nó không hề nhẹ hơn AK-74 khi vẫn nặng tới 3.7kg bao gồm cả hộp tiếp đạn 30 viên, con số này ở AK-74 là 3.6kg.

Dòng súng trường tấn công AK-74 trong đó có AK-74M là dòng súng trường tấn công đầu tiên của Nga sử dụng cỡ đạn tiêu chuẩn 5.45×39 mm. Tầm bắn hiệu quả của AK-74M là từ 500-800m tùy vào từng loại mục tiêu, nó có tầm bắn tối đa có thể lên đến 3.000m. Trong khi đó tốc độ bắn của AK-74M là hơn 600 viên/phút với sơ tốc đầu nòng gần 900m/s.

Súng ngắn Makarov

Không lâu sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Liên Xô khởi động dự án thay thế súng ngắn TT-33 và M1895 trong biên chế. Việc biên chế súng trường tấn công AK-47 khiến súng ngắn mất đi vai trò trước đó.

Quân đội Liên Xô đánh giá loại đạn 9x18 mm của B.V. Semin là phù hợp nhất với mẫu súng ngắn mới, nhờ sức sát thương cao và độ giật thấp, cho phép chế tạo những vũ khí với cơ cấu đơn giản và rẻ tiền. Mức độ an toàn, dễ sử dụng, độ chính xác cao và kích thước nhỏ là những yêu cầu hàng đầu với loại súng ngắn mới.

Súng ngắn Makarova. (Ảnh: Wikipedia)

Sau hàng loạt thử nghiệm, súng ngắn Pistolet Makarova (PM) trở nên nổi bật nhờ sự đơn giản, độ tin cậy cao, dễ tháo lắp. Trong đợt đánh giá tháng 4/1948, loại súng này có tỷ lệ hỏng hóc thấp hơn 20 lần so với các đối thủ cạnh tranh. Súng ngắn PM chính thức được biên chế từ tháng 12/1951 với nhiều cải tiến so với thiết kế nguyên gốc.

Súng ngắn Makarova trở thành trang bị tiêu chuẩn cho các lực lượng vũ trang Liên Xô và Nga cho tới khi bị thay thế bởi mẫu PYa vào năm 2003. Tuy nhiên, nhiều đơn vị quân đội và cảnh sát Nga vẫn sử dụng loại vũ khí này cho tới năm 2012. Súng ngắn Makarov cũng được biên chế đại trà tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Được biết, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo Makarova với tên mã SN9 nhưng nó còn được biết tới với cái tên khác là K59.

Thông số cơ bản của Makarova là 0,81 kg (bao gồm đạn); dài 161,5 mm; rộng 30,5 mm; cao 126,75; nòng dài 93,5 mm. Súng dùng loại đạn 9x18 mm có sơ tốc 315m/s; tầm bắn hiệu quả 50 m; hộp tiếp đạn chứa được 8 - 12 viên.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới