Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sốc trước sự phát triển loài người năm 2020 qua một bức ảnh

(VTC News) -

Biểu đồ chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) từ năm 1991 đến 2020 cho thấy biến động khủng khiếp của loài người trước đại dịch COVID-19.

Nếu được chọn bức ảnh của năm, có lẽ bức ảnh chụp lại biểu đồ tăng trưởng của chỉ số HDI từ năm 1991 đến nay sẽ là bức ảnh ấn tượng nhất. Trong biểu đồ này, màu xanh chỉ mức tăng, màu đỏ chỉ mức độ suy giảm.

Biểu đồ chỉ số phát triển con người (HDI) từ năm 1991 đến 2020. (Ảnh chụp màn hình)

Trong gần 30 năm qua, thế giới đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, bạo loạn, hay khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số phát triển của nhân loại chưa bao giờ thụt lùi. Loài người luôn tiến lên. Điều kiện sống của mọi người ngày một tốt hơn. Nhìn chung, đó là điều hiển nhiên bởi nếu không vận động, loài người sẽ chết.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng vào nỗ lực đưa thế giới ngày một tốt đẹp hơn của con người.

Thật ra nếu nhìn kỹ, biểu đồ HDI có thể chia ra làm 4 phần.

Từ năm 1991 đến 1997, có một sự cải thiện mạnh mẽ về điều kiện sống. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã ngắt quãng phần nào sự phát triển. Nó bắt nguồn từ Thái Lan, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở vài nước, lãnh thổ châu Á vốn được mệnh danh là "những con hổ Đông Á". Nó lan ra khắp, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, tác động lớn lan rộng đến cả các nước như Nga, Brazil và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, xu hướng phát triển tiếp tục được duy trì cho đến Đại suy thoái năm 2008. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, xu hướng phát triển của loài người chậm lại đáng lo ngại. Đến nay, nhân loại vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Đại dịch COVID-19 đến vào đầu năm 2020 đã thực sự đánh gục sự phát triển của loài người, xóa bỏ hàng thập kỉ nỗ lực của nhân loại. Nó phá hoại tất cả chỉ trong một năm.

HDI bao gồm 3 chỉ số: tuổi thọ, giáo dục, và kinh tế.

Tuổi thọ của nhân loại sau đại dịch sẽ thấp đi. Quá nhiều người đã qua đời. Tại thời điểm bài viết này được biên tập, 1,5 triệu người đã chết vì COVID-19. Ngay cả cuộc chiến khốc liệt nhất sau chiến tranh thế giới lần 2, cuộc xung đột Congo lần 2, cũng chỉ làm thiệt mạng 5,4 triệu người trong 5 năm. Nhưng chỉ riêng trong năm nay, 1,5 triệu người đã qua đời vì COVID-19, đặc biệt trong đó có rất nhiều người lớn tuổi.

Giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại chưa có thống kê đầy đủ, nhưng tỉ lệ bỏ học đang tăng một cách đáng ngại trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Philippines, 25% trẻ em nước này đã bỏ học, tăng khoảng 9% so với tình trạng trước dịch. Theo UNICEF, có thể có đến 24 triệu sinh viên cũng phải bỏ học trong năm nay. Tình trạng phong tỏa và bệnh dịch cũng khiến 280,000 trẻ em gái bị lạm dụng tình từ tháng 3 - 5/2020 ở Philippines, gấp 4 lần cả năm 2019. Trong khi ở Indonesia, 33,000 trẻ em gái phải kết hôn trước tuổi vị thành niên, một tỉ lệ gấp đôi cả năm 2019.

Một lớp học thực hiện giãn cách xã hội và đeo khiên chắn mặt ở một trường tiểu học tại Jakarta, Indonesia ngày 6/7/2020. (Ảnh: AP)

Thậm chí, việc học trực tuyến cũng gặp khó khăn khi tại một số quốc gia, điều kiện cơ sở vật chất gia đình của các em không thể đáp ứng hình thức học tập này. 

Với tình trạng khó khăn hiện giờ, ít nhất trong quý I/2021, kinh tế đa số quốc gia trên thế giới vẫn còn khó khăn. Riêng các nước đang phát triển sẽ có thể chờ đến tận năm 2022, chỉ số kinh tế mới có thể ổn định trở lại. Chưa kể, cuộc chiến chống lại dịch bệnh đang cực kỳ khó khăn khi nguồn lực của nhiều quốc gia không thể đáp ứng nhu cầu vaccine COVID-19 cho người dân nước mình.

Đơn cử, Myanmar, quốc gia có 54 triệu dân, hiện có hơn 100.000 ca nhiễm. Mỗi người dân nước này cần ít nhất 2 liều vaccine COVID-19. Giá vaccine dao động từ 3 - 37 USD cho một liều, vậy Myanamar cần từ 340 triệu USD đến 4,2 tỷ USD để tiêm chủng cho toàn dân. Myanmar chỉ có ngân sách nhà nước cả năm khoảng 25 tỷ USD, và ngân sách cho y tế chỉ 1 tỷ USD. Con số chi phí cho vaccine nói trên chỉ tính tiền mua thuốc, chưa bao gồm chi phí bảo quản và nhân sự phục vụ tiêm chủng. Trong khi đó, vaccine COVID-19 là một trong những loại thuốc có điều kiện đảm bảo chất lượng khắc nghiệt nhất hiện nay. 

Nếu Myanmar không thể dẹp dịch COVID-19, điều gì sẽ xảy ra?

Họ sẽ đối diện với cấm vận "mềm". Các quốc gia sạch dịch sẽ tạm thời "cách ly" họ. Du lịch, hàng không, đầu tư... của nước này sẽ phải tiếp tục chịu những đòn giáng nặng nề. Tại các nước phát triển như các quốc gia phương Tây hay Nhật Bản, Singapore,... việc hạn chế ngành hàng không chỉ chưa đầy một năm cũng đã dẫn đến các hãng bay phá sản. Nếu một quốc gia kém phát triển gánh lấy tổn thất này, thiệt hại không thể đo đếm được. 

Do đó, tiêm phòng với Myanmar là bắt buộc. Hoặc họ phải vay nợ, hoặc được tài trợ một phần. Với các nhà lãnh đạo đất nước, đó là một gánh nặng cực lớn, bởi tiền chi cho tiêm chủng sẽ không tạo ra thặng dư. Họ buộc phải cắt giảm những nơi khác như giáo dục, đầu tư hạ tầng... Nói cách khác, giật gấu vá vai. 

Mọi khó khăn đến lúc nào đó sẽ qua đi. Tuy nhiên, hệ quả lại để cứu người thật không dễ dàng vượt qua. 

Chưa kể, một vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra. Kinh tế khó khăn sẽ đẩy nhiều gia đình vào túng quẫn, dẫn đến tỉ lệ trẻ bỏ học ngày càng cao, đặc biệt là trẻ em gái.

Các nước đang phát triển ít nhất trong 3 năm 2020, 2021, và 2022 sẽ có số học sinh, sinh viên nhập học thấp hơn mức năm 2019. Chúng ta đang nói đến hàng triệu? Hàng chục triệu? Không, thật ra là hàng trăm triệu trẻ em đang bị ảnh hưởng.

Hậu quả của sự ảnh hưởng này... là rất lâu dài. 

Rất nhiều trẻ em sẽ vĩnh viễn không còn được đến trường nữa. Trẻ bỏ học sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy xã hội sâu rộng như: kết hôn sớm, tội phạm, mại dâm, lao động kỹ năng thấp, thu nhập thấp... Xã hội phải đổ một nguồn lực to lớn gấp mấy lần GDP trong một năm để giải quyết các vấn nạn này trong tương lai.

GDP rồi sẽ hồi phục, HDI rồi sẽ hồi phục, các con số thống kê rồi sẽ cho ta thấy điều đó, nhưng số phận của rất nhiều gia đình và trẻ nhỏ sẽ chẳng bao giờ hồi phục được...

COVID-19 sẽ để lại sự thay đổi rất lớn và vĩnh viễn cho thế giới chúng ta. Chúng ta đã, đang và sẽ phải sống trong "Thời đại COVID", nơi bạn sẽ phải chống dịch thật tốt. Chống dịch tốt để làm gì? Chính là để bảo vệ cho tương lai của chúng ta.

Nguyễn Nam Kỳ Châu

Tin mới