Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sổ tiết kiệm sau khi ly hôn được phân chia thế nào?

(VTC News) -

Nhiều người thắc mắc sổ tiết kiệm được phân chia như thế nào sau khi các cặp vợ chồng ly hôn?

Nếu sổ tiết kiệm đứng tên vợ hoặc chồng nhưng được mở trong thời kỳ hôn nhân do cả vợ và chồng cùng nhau đóng góp thì đây được xác định là tài khoản chung được căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung và sẽ được chia đôi.

Điều luật nêu rõ: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Do đó, nếu ly hôn, theo quy định pháp luật thì về nguyên tắc tài sản sổ tiết kiệm sẽ được chia đôi.

Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định sổ tiết kiệm sẽ là tài sản riêng nếu vợ hoặc chồng có thể chứng minh được toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm đó là của riêng, được hình thành từ các nguồn như được thừa kế riêng, tặng cho riêng hay được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân và không có thỏa thuận nhập số tiền đó vào khối tài sản chung, thì sẽ không bị chia khi giải quyết ly hôn.

Như vậy sổ tiết kiệm được mở trong thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia bằng nhau. Cả vợ và chồng đều được hưởng lợi khi chia sổ tiết kiệm này. Ngược lại nếu sổ tiết kiệm là của riêng vợ nếu chứng minh được là tài sản riêng thì phần tài sản này sẽ không bị chia khi ly hôn.

Sổ tiết kiệm nếu là tài sản chung phải chia đôi khi ly hôn. (Ảnh minh họa: VPBank)

Vợ hoặc chồng có được rút tiền trong sổ tiết kiệm chỉ có tên 1 người?

Để xác định chồng hoặc vợ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm mang tên người còn lại không thì cần xem xét sổ tiết kiệm này là tài sản chung hay hay tài sản riêng. Với từng loại tài sản sẽ có giải quyết vấn đề chồng có được rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên mình vợ riêng.

Nếu sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ thì người chồng chỉ được rút tiền khi được vợ ủy quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm hoặc được rút tiền theo hình thức thừa kế (vợ đã chết, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc mà số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật).

Sổ tiết kiệm là tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ đứng tên vợ thì người chồng muốn rút phải chứng minh được đây là tài sản chung.

Tuy nhiên, dù chứng minh được thì người chồng cũng chỉ được rút số tiền tương ứng với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng. Nếu muốn rút cả thì cũng phải được người vợ ủy quyền hoặc cả hai vợ chồng cùng đến ngân hàng để làm thủ tục.

Hạo Nhiên (tổng hợp)

Tin mới