Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho rằng, kinh phí dành cho quỹ nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam (NAFOSTED) là không đáng kể so với các quỹ hàng đầu (xét theo thành tích ISI) của Trung Quốc (NSFC) và của Mỹ (NSF).
Công bố khoa học đứng thứ 43
Theo Cơ sở dữ liệu công bố khoa học WoS (Web of Science, Mỹ) thì trong năm 2020 cả thế giới công bố 2.388.289 công trình (thuộc loại article, trích xuất tháng 4/2021). Trong đó nhóm 10 nước đứng đầu thế giới theo thứ tự là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ, Nhật, Ý, Canada, Pháp và Úc.
Trong năm qua, Việt Nam công bố được 14.009 công trình ISI và được xếp thứ 43 thế giới. Tất nhiên thành tựu nghiên cứu khoa học trên cần được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, kinh phí tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu là một yếu tố rất đáng được quan tâm.
Cũng theo WoS, trong năm 2020 top 10 quỹ/cơ quan hàng đầu thế giới trong việc tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu khoa học lần lượt theo thứ tự tổng số lượng công trình ISI được ghi nhận là: Quỹ quốc gia về khoa học tự nhiên của Trung Quốc (NSFC), Bộ sức khỏe Mỹ, Viện sức khỏe quốc gia Mỹ, Ủy ban Châu Âu, Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF), Quỹ nghiên cứu cơ bản cho các đại học trung ương Trung Quốc, Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, Hiệp hội phát triển khoa học Nhật Bản, Chương trình nghiên cứu và phát triển trọng điểm quốc gia Trung Quốc, Quỹ nghiên cứu Đức.
Ảnh chụp từ WoS.
Từ bảng trên, có thể thấy các cường quốc sở hữu top 10 quỹ/cơ quan hàng đầu trong tài trợ cho nghiên cứu đồng thời là những siêu cường về công bố khoa học ISI. Trong đó, Trung Quốc có tới 2 quỹ và 1 chương trình nghiên cứu, Mỹ có 1 quỹ và 2 cơ quan nghiên cứu, Nhật có 1 cơ quan và 1 hiệp hội nghiên cứu và có một quỹ nghiên cứu của Đức.
Căn cứu báo cáo năm 2019 của NSFC (NSFC Annual Report 2019), Trung Quốc dành 4,7 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (chỉ mỗi lĩnh vực này), trong đó có chương trình dành cho các chuyên gia trẻ xuất sắc trong lĩnh vực này.
Theo thông báo của NSF (Final action completed on appropriations for FY19), Tổng thống Mỹ ký quyết định kinh phí năm 2019 cho NSF là 8,1 tỷ USD, trong đó kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học là 6.520 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) có thể được xem là một quỹ nghiên cứu hàng đầu của đất nước và đã có thương hiệu trên thế giới. Theo “Thông tin hoạt động” tháng 8/2020 của NAFOSTED, trong giai đoạn 2009 – 2019, NAFOSTED đã tài trợ 3.097 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu trong cả nước và như vậy trung bình mỗi năm là 12.2 triệu USD.
Ảnh chụp từ NAFOSTED.
Trong năm 2020, Việt Nam có 1.523 công trình ISI được tài trợ bởi NAFOSTED (theo WoS, tháng 4/2021), chiếm 10,87% của cả nước.
Tỷ lệ này cũng gần với tỷ lệ là mà NSFC, NSF tài trợ cho các công bố ISI của Trung Quốc và Mỹ, tương ứng là 13,8% và 11,2%. Đây là một sự tương đồng rất đáng quan tâm.
Đầu tư chưa cao?
Những kết quả phân tích trên cho thấy kinh phí dành cho quỹ nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam (NAFOSTED) là không đáng kể so với các quỹ hàng đầu (xét theo thành tích ISI) của Trung Quốc (NSFC) và của Mỹ (NSF).
Cụ thể, kinh phí trung bình hàng năm của NAFOSTED của Việt Nam chỉ tương đương 0,00025% của NSFC và 0,00018% của NSF. Ngay cả nếu xem xét thêm tỷ lệ dân số trong việc so sánh thì kết quả cũng không được cải thiện gì đáng kể. Sự chênh lệch này cho thấy các nước dẫn đầu về nghiên cứu khoa học của thế giới đã tạo khoảng cách rất cách biệt với các nước trung bình, trong đó có Việt Nam.
Ảnh chụp từ WoS.
Sự khác biệt về thành tựu nghiên cứu khoa học cũng dẫn tới sự khác biệt rất sâu về GDP giữa Việt Nam với các cường quốc đứng đầu. Điều đó cho thấy Việt Nam cần quyết liệt hơn trong thời gian tới về nghiên cứu khoa học để có thể sớm phát huy được trí tuệ của cả dân tộc và để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế tri thức và từ đó góp phần quan trọng vào nâng cao GDP của đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu xem xét Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì chắc chắn là cục diện sẽ khác hơn. Ngoài ra, các nguồn quỹ nghiên cứu khoa học của Việt Nam không chỉ từ NAFOSTED. Các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước cũng có nguồn kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, chưa tìm thấy báo cáo hàng năm về nguồn kinh phí trên website của chương trình này (http://www.vpct.gov.vn) tại thời điểm truy cập nên chưa thể phân tích đánh giá.