Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Số phận truân chuyên của bài hát 'Có phải em mùa thu Hà Nội'

Sau khi được danh ca Thái Thanh hát một lần duy nhất năm 1971, ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc "mất tích" hơn 2 thập kỷ.

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc - tác giả của Có phải em mùa thu Hà Nội (phổ thơ Tô Như Châu) đã đi về nơi cực lạc, để lại giấc mơ được đến với mảnh đất thủ đô, mảnh đất mà người nhạc sỹ chỉ được nghe kể thôi cũng giúp ông dệt lên những giai điệu bất hủ: “....Có phải em là mùa thu Hà Nội- Nghìn năm sau ta níu bóng quay về - Ơi mùa thu.. thu ước mơ”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Nhớ lần đầu tôi gặp nhạc sỹ Trần Quang Lộc, nhạc sỹ nghèo đang sinh sống bằng nghề dạy nhạc cho những đứa trẻ ở ven đô thuộc khu vực của thị xã Bà Rịa (Khi đó chưa được gọi là thành phố Bà Rịa), ông đã kể cho tôi giấc mơ về Hà Nội. Là người Quảng Trị và theo học tại Nhạc viện Quốc gia Huế, chỉ nghe lời kể của những người di cư bên kia chiến tuyến, ông đã có sáng tác nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Đó là bài Về đây nghe em (phổ thơ A Khuê). Những lời ca chân chất giản dị “Về đây nghe em, về đây nghe em- Về đây mặc áo the, đi guốc mộc- Kể chuyện tình bằng lời ca dao- Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai- Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới...” dù không nói cụ thể địa danh nào những ai cũng hiểu đó là mảnh đất đòng bằng Bắc Bộ. 

Nhưng phải đến Có phải em mùa thu Hà Nội, giấc mơ người nhạc sỹ mới hiện hình rõ nét. Nhạc sỹ kể năm 1971, trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang” tại Huế, nhà thơ Tô Như Châu (một người bạn nhưng lớn hơn nhạc sỹ cả chục tuổi) khoe với nhạc sỹ Trần Quang Lộc. “Tao có bài thơ này viết về Hà Nội hay lắm, mày thích tao cho”. Cầm bài thơ đánh máy dài gần 5 trang giấy, nhạc sỹ đọc lướt qua và những câu thơ lãng mạn thấm đẫm chất Hà Nội khiến nhạc sỹ sửng sốt: “Nghe đâu đây, hồn Trưng Vương sóng hát..

Bài thơ hay quá. Anh để em phổ nhạc cho”- nhạc sỹ đã nói như thế. 

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và danh ca Thái Thanh.

Cả nhà thơ, cả nhạc sỹ đều chưa đến Hà Nội nhưng với họ, Hà Nội luôn là nơi rất đẹp, rất lãng mạn, nhất là vào mùa thu. Hơn nữa, vùng đất Đà Nẵng thời điểm đó cũng có nhiều người Hà Nội di cư đang sống, trong đó có cả những nghệ sỹ Hà Nội. Cùng sinh hoạt chung, những nghệ sỹ được nghe rất nhiều về Hà Nội với nỗi nhớ thương khắc khoải. 

Nhạc sỹ kể: “Tôi được nghe kể về Hồ Gươm, về bãi sông Hồng, về những con phố nhỏ se lạnh chiều đầu thu. Tôi được nghe rất nhiều bài thơ, bài hát hay về Hà Nội và tôi đã mơ về Hà Nội rất nhiều”.

Nhạc sỹ bảo ông yêu thích nhất là ca khúc Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương mà  ông cho rằng đó là ca khúc hay nhất về Hà Nội mà ông được nghe. Nhạc sỹ cũng kể ông rất thích nghe giọng Hà Nội, nhất là giọng của các cô gái Hà Nội vừa dịu dàng trong trẻo, đáng yêu. Nhạc sỹ cũng thừa nhận ngày đó đã có một cô gái Hà Nội trong trái tim ông và “Yêu người yêu cả quê hương” nên Hà Nội trong ông càng đẹp, càng lãng mạn. Và chỉ trong một đêm nhạc sỹ đã hoàn thành ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. Ông không phổ hết bài mà chỉ lựa những tứ thơ hay nhất để làm lên ca khúc tuyệt vời đậm chất Hà Nội. 

Có phải em mùa thu Hà Nội từng được phát trên sóng phát thanh Phát Á tại Sài Gòn năm 1971 qua giọng ca Thái Thanh. Tuy nhiên, chỉ vừa hát được 1 lần thì đột nhiên Thái Thanh không hát nữa. Nhạc sỹ đi hỏi nguyên nhân thì được trả lời: “Đây là ca khúc có xu hướng thân miền Bắc nên không thể hát”.

Rồi lo mưu sinh, nhạc sỹ đã gần như quên đi đứa con tinh thần của mình. Mãi cho tới năm 1994, nghĩa là sau hơn 20 năm ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội ra đời, khi được nhà sản xuất yêu cầu chọn 10 ca khúc để làm album Chợt nghe em hát, nhạc sỹ Đức Trí tìm thấy nó trong tập nhạc hơn 60 ca khúc do Trần Quang Lộc đưa. Con mắt nhà nghề của anh đã nhìn ra một ca khúc bị tác giả loại ra nhưng lại có ca từ, giai điệu rất hay. Và Đức Trí đề nghị Trần Quang Lộc đưa ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội vào album. Người thể hiện lại ca khúc này sau hơn 20 năm vắng bóng chính là Hồng Nhung - một cô gái Hà Nội gốc. 

Album Chợt nghe em hát với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội lập kỷ lục tnăm 1994 khi 30 ngàn bản được bán trong vòng một tuần. Album cũng góp phần làm nên tên tuổi một diva của Việt Nam là Hồng Nhưng, người sau này được mệnh danh ca sỹ hát nhiều ca khúc về Hà Nội nhất, ca sỹ thể hiện hay nhất về Hà Nội. Sau Hồng Nhung, nhiều ca sỹ khác cũng chọn Có phải em mùa thu Hà Nội để thể hiện như Lam Trường, Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Ý Lan, Thu Phương… và cũng đều có  thành công nhất định. 

  Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và ca sỹ Thu Phương.

Nhưng thành công nhất là ca sỹ Thu Phương. Với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội  trong album Ngủ ngoan nhé ngày xưa, cô ca sỹ gốc Hải Phòng này đoạt nhiều giải thưởng như giải Video hay nhất, giải Ca sỹ thể hiện hay nhất, giải Nhạc sỹ sáng tác hay nhất... do VTV trao tặng. Năm 1998, Có phải em mùa thu Hà Nội được trao giải Nhất của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nhiều chương trình lớn đã chọn ca khúc này để thể hiện, trong đó có chương trình Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Thế nhưng, cha đẻ của ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội lại chưa một lần được thỏa ước mơ tới Hà Nội. Dù ông từng đi sang tới nước Mỹ, dù ông từng đi rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam nhưng chỉ mỗi Hà Nội là ông chưa một lần được đặt chân tới. Khi còn sức khỏe thì ông vướng bận với mưu sinh, rồi khi quyết tâm đi thì lại bị ảnh hưởng bởi sức khoẻ.

Có lẽ là cái duyên đó chú! Tôi chưa có duyên đến Hà Nội nên chưa đi. Nhưng tôi vẫn mong sẽ được ra Hà Nội dù chỉ một lần, được đến với không khí của mùa thu lá vàng, hồ Tây xao động hay con đường phố xào xạc. Được một lần đặt chân tới Hà Nội, biết đâu tôi sẽ lại có cảm hứng sáng tác thêm về nữa!”- nhạc sỹ từng tâm sự như thế.

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc trong lần trị bênh tại Sài Gòn.

Trong lần gặp ông gần đây, nhạc sỹ vẫn nói ông đang chuẩn bị cho chuyến đi Hà Nội, chỉ cần một giây phút ngồi cạnh hồ Tây, ngắm nhìn đường phố Hà Nội là ông đã thoả lòng rồi. Thế nhưng cái duyên với Hà Nội vẫn không đến với ông. Căn bệnh ung thư quái ác khiến ông suy sụp dần, và ông chỉ còn biết ngắm Hà Nội qua giấc mơ của chính mình: “Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi thương nhớ âm thầm-Có phải em là mùa thu Hà Nội- Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm Có phải em mùa thu xưa?”. Và mối tình với Hà Nội mãi dang dở trong ông. 

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới