Ngày 11/3/2011, động đất dưới đáy biển mạnh 9 độ richter đã tạo ra những đợt sóng thần cao 39 m ở bờ biển đông bắc Nhật Bản. Thảm họa kép khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và mất tích, làm hỏng các hệ thống làm mát của 3 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima Daiichi, gây ra rò rỉ phóng xạ . Để đảm bảo an toàn, Nhật Bản đã lập ra một khu vực cấm bán kính 20 km xung quanh nhà máy, nó trở thành một vùng đất hoang tàn và không ai dám quay trở lại nơi này trong nhiều năm.
Đến năm 2016, Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh di tản ở nhiều vùng ở Fukushima, nhưng chỉ có khoảng 15% người dân quay trở lại đây sinh sống dù được trợ cấp mỗi tháng. Trong hình là những túi đen chứa đất nhiễm phóng xạ xếp chồng để tiết kiệm diện tích.
Từng xem qua nhiều bức ảnh về nơi đây, Jack Rix của TopGear đã mượn một chiếc Honda N Box Slash Mugen để khám "vùng đất ma" Fukushima nhân dịp chuyến đi đến Tokyo. Anh tin rằng, với sự đa dạng về văn hóa xe của Nhật Bản chắc chắn Fukushima sẽ còn gì đó sót lại.
Điểm dừng chân đầu tiên là casino Grand Hall ở Tomioka. Cách đó không xa là một chiếc Audi A4 Avant bị bỏ lại từ năm 2011, cỏ dại đã phủ gần hết thân xe. Đây là hình ảnh rõ nét cho thấy mạng sống của con người quý giá hơn tất cả mọi thứ, kể cả một chiếc xe hạng sang.
Tất cả con đường dẫn vào khu vực cảnh báo đỏ về phóng xạ đều hạn chế người ra vào. Sau khi không tìm được cách vào sâu hơn, Jack Rix và người bạn đã chuyển hướng tới các thị trấn đã mở cửa trở lại là Tomioka và Namie.
Dù được chính phủ đầu tư bệnh viện, trường học và trợ cấp hàng tháng cho người dân, nhưng không nhiều người chấp nhận quay trở lại đây. Đi dọc theo những con phố chính ở Namie còn rất nhiều những căn nhà đổ nát và những cửa hàng bỏ hoang. Jack Rix và nhiếp ảnh gia Rowan Horncastle thường xuyên cười đùa trong các chuyến đi cùng nhau, nhưng lần này cả 2 đều im lặng nhìn cảnh tượng điêu tàn xung quanh.
Quay trở lại Tomioka, Jack Rix gặp rất nhiều ôtô bị bỏ lại. Đầu tiên là một đại lý xe cũ với sân trước là những chiếc xe đỗ rất gọn gàng nhưng đã bỏ hoang từ lâu. Đáng chú ý là một chiếc Jaguar XJ đời cũ vẫn còn rất mới.
Kế đó là một chiếc Cadillac đời cũ và một chiếc xe tang cải biến từ Lincoln Town Car.
Jack Rix còn phát hiện một chiếc Mercedes-Benz S-Class nằm gần đó đã hỏng phuộc hơi, phần bánh lún vào trong hộc bánh xe. Chiếc xe đã được độ lại một số bộ phận nhưng đang xuống cấp theo thời gian.
Tiếp tục chuyến hành trình, Jack Rix bắt gặp một bãi đỗ xe đồ sộ bị che khuất bởi những lùm cỏ lau rậm rạp. Người Nhật vốn không chuộng xe Mỹ nên sự xuất hiện của chiếc Chevrolet Imapa SS màu cam là một điều bất ngờ.
Trên đường về phía nam để quay trở lại Tokyo, Jack Rix gặp một chiếc Mini màu xanh ẩn đằng sau chiếc hàng rào nhỏ, và được che chắn bởi những tán cây rậm rạp bên trên.
Nhưng anh bất ngờ phát hiện một màu trắng ẩn sau những cây dây leo. Jack Rix đến gần và gạt lá cây sang một bên để lộ ra một chiếc Nissan R32 GT-R V-spec II. Đây không phải biến thể có giá trị nhất, nhưng một chiếc như này có giá bán 40.100 USD. Có giá trị lớn, nhưng chiếc Nissan R32 GT-R V-spec II này đang để mặc cho cây cỏ "nuốt chửng".
"Nếu bạn thắc mắc việc chúng đến đây có an toàn hay không, tại sao chúng tôi lại không mặc đồ bảo hộ hay liệu chúng tôi có bị cách ly trong một tháng hay không, cho phép tôi cung cấp tới bạn một vài con số", Jack Rix viết. Anh này sử dụng một thiết bị suất liều kế có tên Geiger cắm trực tiếp vào điện thoại. Thiết bị này liên tục kiểm tra suất liều bức xạ trong suốt hành trình.
Tại trường học ở Tomioka, Geiger đo được mức 0,38 µSv/h (micro Sieverts mỗi giờ, Sieverts là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa có tác dụng gây tổn hại), một con số thấp hơn nhiều so những gì nhiều người tưởng tượng. Để so sánh, mức này ở Tokyo là 0,04 µSv/h .
Jack Rix và người bạn của mình ở Fukushima trong 5 giờ, vậy tổng liều là (0,38 x 5) 1,9 µSv. Nếu ở đây một năm, liều bức xạ tổng là (0,38 x 24 x 365) 3,329 µSv. Để biết nó ít thế nào, nếu bay từ New York đến Los Angeles, bạn hấp thụ khoảng 40 µSv. Một nhân viên làm ở một nhà máy hạt nhân hấp thụ tối đa 50.000 µSv trong 1 năm. Chỉ khi bạn tiếp xúc với 100.000 µSv thì mới có nguy cơ bị ung thư. Vì vậy, một số vùng thuộc Fukushima đã an toàn trên cả lý thuyết và thực tế.
Video: Sóng thần dồn vào cửa sông sau động đất ở Nhật Bản