Theo bảng đánh giá tiềm lực quân sự toàn cầu năm 2022 của Global Firepower, hải quân Nga hiện có trong biên chế 605 tàu chiến các loại và đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên số tàu đổ bộ hạng nặng của Nga chỉ trên dưới 20 chiếc.
Hải quân Nga chỉ sở hữu 20 tàu đổ bộ
Cụ thể, hải quân Nga hiện có trong trang bị ba lớp tàu đổ bộ, gồm Đề án 1171 (Alligator), Đề án 775 (Ropucha) và Đề án 11711 (Ivan Gren). Tổng sổ tàu của cả ba lớp này chỉ khoảng 20 chiếc.
Dù sở hữu hạm đội tàu chiến lớn thứ 2 thế giới nhưng hải quân Nga chỉ sở hữu 20 tàu đổ bộ cỡ lớn. (Ảnh: The Defense Post)
Để có so sánh tương quan, số tàu đổ bộ có lượng giãn nước trên 4.000 tấn của hải quân Trung Quốc là 39 tàu, con số này của hải quân Mỹ là 31 tàu. Mặt khác các tàu đổ bộ của hải quân Nga đều được đóng từ thời Liên Xô, chúng ít nhiều không còn phù hợp với môi trường tác chiến trên biển trong giai đoạn hiện tại.
Hải quân Nga đương nhiên hiểu rõ điểm yếu này. Trong những năm gần đây họ đã cho xây dựng thêm các tàu đổ bộ hiện đại hơn như Ivan Gren và Đề án 23900 (Ivan Rogov) – lớp tàu đổ bộ tấn công đầu tiên của Nga. Tuy nhiên quá trình này diễn ra khá chậm và cần rất nhiều thời gian. Do đó, “gánh nặng” hậu cần của hải quân Nga hiện vẫn được đặt lên vai hai lớp tàu Alligator và Ropucha.
Tàu đổ bộ đa năng Alligator
Đề án 1171 (Alligator) trong quá khứ từng là lớp tàu đổ bộ chủ lực của hải quân Liên Xô, đến thời hải quân Nga chỉ còn 3 chiếc trong biên chế. Hầu hết các tàu Alligator đều được đóng trong giai đoạn từ giữa những năm 1960 cho đến giữa những năm 1970 của thế kỷ trước.
So với các lớp tàu đổ bộ hiện đại của phương Tây và Trung Quốc, Alligator có thiết kế hơi lỗi thời nhưng nó vẫn đáp ứng được các yêu cầu tác chiến đổ bộ và hậu cần trên biển hải quân Nga đặt ra.
Tàu đổ bộ đa năng Orsk thuộc Đề án 1171 của hải quân Nga. (Ảnh: thewest.com)
Về thiết kế các tàu thuộc Đề án 1171 có lượng giãn nước tối đa 4.700 tấn, có thể chở theo tối đa 425 binh sĩ, 20 xe tăng hoặc 40 xe bọc thép hoặc 1.000 tấn hàng hóa.
Để phòng vệ và hỗ trợ hỏa lực trong trường hợp tác chiến đổ bộ, các tàu Đề án 1171 cũng được trang bị một hệ thống pháo phản lực 122 mm Grad (phiên bản hải quân), hải pháo 57 mm và 25 mm. Vũ khí phòng không của tàu chỉ có tên lửa phòng không 9K32 Strela-2.
Tàu đổ bộ đa năng Orsk thuộc Đề án 1171 của hải quân Nga. (Ảnh: thewest.com)
Tàu đổ bộ Ropucha
Đề án 775 (Ropucha) là lớp tàu đổ bộ có biên chế nhiều nhất trong hải quân Nga, khoảng 15 chiếc. Với khả năng chuyên trở 500 tấn hàng hóa, phương tiện chiến tranh và binh sĩ. Do cả phần mũi và đuôi tàu đều có thể đóng mở nên cơ chế nạp và dỡ hàng hóa diễn ra rất linh hoạt.
Loại tàu này có diện tích sàn chứa lên tới 630 m2 giúp nó có thể chuyên chở tới 25 xe bọc thép cùng một số lượng lớn binh lính hay 10 xe tăng cùng 350 binh sĩ, hoặc chuyên chở các hệ thống phòng không tầm xa.
Tàu đổ bộ Aleksandr Otrakovskiy thuộc Đề án 775 của hải quân Nga. (Ảnh: TASS)
Tàu đổ bộ lớp Ropucha có lượng giãn nước tối đa 4.080 tấn, dài 112,5m. Tầm hoạt động 9.800km.
Để phòng vệ Ropucha được trang bị hệ thống vũ khí để tự phòng vệ và yểm trợ hỏa lực cho quân đổ bộ đường biển như, tổ hợp pháo phòng không tầm gần AK-630 đặt ở phía đuôi tàu. Ở phía trước là một pháo hạm 76,2 mm AK-176 hoặc hai hải pháo 57mm AK-257 có thể tấn công mục tiêu trên biển, trên không và trên mặt đất ở cự ly gần. Ngoài ra còn có hệ thống pháo phản lực 122 mm Grad (phiên bản hải quân).
Đã có tổng cộng 28 chiếc Ropucha được chế tạo trong giai đoạn 1975 -1991 và chúng vẫn còn hoạt động tích cực trong biên chế hải quân Nga.
Tàu đổ bộ Caesar Kunikov thuộc Đề án 775 của hải quân Nga. (Ảnh: Igor Terokhin)