Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sở hữu đất vàng, cổ phiếu giày Thượng Đình vẫn ế ẩm

Cùng với diêm Thống Nhất, kem Tràng Tiền, giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu vang bóng một thời, tuy nhiên tới nay Giầy Thượng Đình thậm chí không có nổi “của để dành”, cổ phiếu bị nhà đầu tư quay lưng.

Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (Giầy Thượng Đình) tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, Giầy Thượng Đình là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình.

Vang bóng một thời

Thời kỳ đầu, Giầy Thượng Đình ra đời chủ yếu phục vụ cho quân đội. Xí nghiệp chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Đến năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình. Xí nghiệp mở rộng sang sản xuất giày vải, giày thời trang, giày thể thao cùng các loại dép khác…

 Sở hữu đất vàng, cổ phiếu giày Thượng Đình vẫn ế ẩm.

Ngay sau khi chuyển mình, Giầy Thượng Đình đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng. Trong thời kỳ bao cấp, giày Thượng Đình phổ biến tới mức gần như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất một đôi.

Giày bata trắng với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo là sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu này. Những đôi giày này phổ biến vì phù hợp nhiều mục đích sử dụng. Trong đó có lao động và thể thao.

Vì vậy, cùng với kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, diêm Thống Nhất, xe đạp Thống Nhất, cao su Sao Vàng, thuốc lá Thăng Long… Giầy Thượng Đình được xếp vào hàng “huyền thoại” ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng đáng tiếc, tới nay, tất cả các thương hiệu này đều được xếp vào hàng “vang bóng một thời” khi không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Không còn “của để dành”

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường, vị thế cạnh tranh của Giầy Thượng Đình sụt giảm hẳn. Giầy Thượng Đình chỉ gắng gượng tồn tại và rơi vào tình cảnh “chạy ăn từng bữa”. Công ty cố gắng để không “ăn thâm” vào vốn. Tới nay, Giầy Thượng Đình gần như không có “của để dành”.

Báo cáo tài chính năm 2016 - báo cáo mới nhất của Giầy Thượng Đình cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ là 94,8 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu là 93 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa phần vốn góp 93 tỷ đồng của nhà đầu tư chỉ sinh ra lợi nhuận lũy kế 1,5 tỷ đồng.

Video: Những lưu ý khi mua nhà đất

Không chỉ có vậy, Giầy Thượng Đình đối mặt với tình trạng tài sản giảm. Cuối năm 2016, tổng tài sản của công ty chỉ đạt 185 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng, tương ứng 15% so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền là nguyên nhân chính khiến tài sản của Giầy Thượng Đình đi lùi.

Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm từ con số 31,3 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3 tỷ đồng hồi cuối năm. Điều đáng nói, trong năm 2015, Giầy Thượng Đình đấu giá cổ phần và thu về 91 tỷ đồng.

Tại Giầy Thượng Đình, không chỉ tài sản giảm, lợi nhuận cũng giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty chỉ đạt 460 triệu đồng, giảm 920 triệu đồng, tương ứng 66,7% so với năm 2015. Doanh thu lao dốc chính là “tử huyệt” của thương hiệu vang bóng một thời này.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 của Giầy Thượng Đình là 126 tỷ đồng, giảm 152 tỷ đồng, tương ứng 55% so với năm 2015. Các sản phẩm của công ty ngày càng không được người tiêu dùng quan tâm khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm cạnh tranh có giá và chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, việc các cửa hàng phân phối đặt ngay trước cửa công ty dính nghi án trộn hàng Trung Quốc kém chất lượng cũng khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này.

Cổ phiếu ế ẩm

Nằm trong danh sách các thương hiệu vang bóng một thời nên mảng kinh doanh của Giầy Thượng Đình không được đánh giá cao. Tuy nhiên, với một số ít người, thương hiệu này vẫn rất có giá trị. Và giá trị nằm ở… quỹ đất vàng.

Hiện tại, Giầy Thượng Đình sở hữu khu đất vàng có diện tích hơn 36.100 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, Giầy Thượng Đình trở nên có giá hơn khi thương hiệu này được IPO hồi năm 2015.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dù có kết quả kinh doanh bết bát, 1,9 triệu cổ phần Giầy Thượng Đình vẫn được 32 nhà đầu tư quan tâm. Có người đặt giá lên tới 55.000 đồng/CP đẩy mức giá bình quân thành công lên tới 44.000 đồng/CP.

Sau phiên đấu giá đáng chú ý đó, Giầy Thượng Đình có thêm nhiều ông chủ. Ông chủ lớn nhất vẫn là UBND thành phố Hà Nội với tỷ lệ nắm giữ lên tới 68,67%. Đứng sau là ông Nguyễn Văn Nam, Thành viên HĐQT công ty (11,08%) và CTCP Đầu tư thương mại Thái Bình (10%).

Thế nhưng, sức nóng của Giầy Thượng Đình chỉ đến đây là… dừng lại. Đến cuối 2016, cổ phiếu GTD của công ty này lên sàn UpCom với giá 44.000 đồng/CP. Trong phiên chào sàn, không có bất cứ cổ phiếu GTD nào được giao dịch. Điều đó xảy ra trong 63 phiên tiếp theo.

Tới phiên 65, GTD giảm sâu xuống chỉ còn 30.000 đồng/CP. Kể từ đó, GTD lập kỷ lục cổ phiếu không có giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ thỉnh thoảng vài phiên GTD mới có vài cổ phiếu được trao tay với mức giá giảm sâu. Đóng cửa phiên 27/3, GTD dừng ở mức 10.000 đồng/CP.

>>> Đọc thêm: Doanh nghiệp địa ốc chạy đua huy động vốn trên sàn chứng khoán

Thanh Hà

Tin mới