Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sở GTVT TP.HCM: Nhiều chủ cửa hàng đồng ý trả phí sử dụng vỉa hè

(VTC News) -

Theo khảo sát của Sở GTVT TP.HCM, 48% chủ cửa hàng đồng ý đăng ký và trả phí sử dụng vỉa hè và khoảng 61% hàng rong cố định đồng ý đăng ký sử dụng vỉa hè.

Đây là thông tin được công bố tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM" sáng nay 13/6.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi giữ xe diễn ra ở nhiều tuyến đường ở TP.HCM. (Ảnh minh họa)

48% chủ cửa hàng đồng ý đăng ký và trả phí sử dụng vỉa hè

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, qua khảo sát, đánh giá công tác quản lý sử dụng vỉa hè thời gian qua, nhiều nơi bị lấn chiếm sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người dân khi phải đi dưới lòng đường. Chưa kể, tình trạng vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường cũng bị ảnh hưởng do người dân lấn chiếm xả rác ra ngay lề đường.

Khi lực lượng chức năng mở các đợt kiểm tra, xử phạt thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè giảm đi nhiều. Tuy nhiên, sau đó vỉa hè tiếp tục bị tái lấn chiếm.

Đặc biệt, qua khảo sát bằng bảng hỏi ý kiến người sử dụng cho thấy, một tỷ lệ nhỏ người được khảo sát trả lời họ biết trước các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng (1,2% số cửa hàng và 2% số hàng rong cố định biết thời điểm kiểm tra) và thậm chí họ có trả tiền cho đội quản lý trật tự đô thị (1,9% số cửa hàng và 3% số hàng rong cố định).

Cũng theo khảo sát, 48% chủ cửa hàng được khảo sát đồng ý đăng ký và trả phí sử dụng vỉa hè. Tương tự, có khoảng 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng ý đăng ký sử dụng vỉa hè.

"Việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời cũng góp phần chỉnh trang đường phố, đem lại nguồn thu cho ngân sách", đại diện Sở GTVT TP.HCM, nhận định.

Tuy nhiên, theo phản ánh thực tế từ đại diện các quận, huyện thì khá nhiều người dân vẫn "lăn tăn" với đề án này.

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, nhận định, trên thực tế nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng chiếm dụng vỉa hè, gây nhiều bức xúc.

"Qua khảo sát nhanh, 80% ý kiến cho rằng hiện nay chưa triển khai cho thuê mà lấn chiếm tràn lan không xử lý được thì làm sao dám đảm bảo rằng khi cho thuê sẽ đảm bảo được trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị?", bà Sáu đặt vấn đề.

Theo bà Minh Sáu, thu các khoản này là khả thi, song có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, vì vậy, không nên quy định thu phí mà cần trả lại đúng vị trí của lòng đường, hè phố.

"Nếu đặt ra vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình chung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở lòng, lề đường và hè phố. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại, vừa làm mất mỹ quan. Việc thông qua đề án này nên rà soát, tính toán kỹ lưỡng hơn", bà Sáu nói thêm.

Ông Trần Việt Trung (một người dân ở TP Thủ Đức) cũng góp ý với dự thảo đề án. (Ảnh: Trần Hải)

Ông Trần Việt Trung (một người dân ở TP Thủ Đức) cũng thẳng thắn, nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là rất lớn, tuy nhiên công tác quản lý nhiều năm qua chưa đủ chặt chẽ.

"Thời gian qua tình trạng chiếm dụng vỉa hè xảy ra rất nhiều nơi trên địa bàn TP Thủ Đức, thậm chí còn có tình trạng bảo kê, gây ra nhiều bức xúc. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý rồi thì sau đó tình trạng vẫn tái diễn, như "bắt cóc bỏ đĩa" vậy", ông Trung nói. 

Tăng trách nhiệm quản lý và chế tài

Ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận 6, đặt ra nhiều vấn đề đối với dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM".

Thứ nhất, phải xác định không phải thu phí là chỉ chăm chăm vào mục tiêu tăng thu ngân sách, phải xác định đề án là để tăng tính quản lý của Nhà nước đối với lòng đường, vỉa hè. Phải xác định rõ đối tượng được thụ hưởng, đối tượng nào bị tác động... để góp phần làm hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước.

Tiếp đến, phải đặt vấn đề tính văn hóa đặc trưng của TP.HCM là văn hóa đường phố nên phải tính đến những tác động của đề án.

"Về mức phí, Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mức phí và mức thu này hoàn toàn có căn cứ, cơ sở để trình HĐND ban hành...", ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

Ngoài ra, phải quan tâm đến trật tự lòng lề đường. Không thể chấp nhận việc người dân không có đường để đi và đây là vấn đề đặt ra với người quản lý khi muốn triển khai đề án.

Cuối cùng là tính công khai, minh bạch trong quản lý số tiền thu được, tính công bằng với người dân và cả vấn đề vệ sinh môi trường...

Đồng quan điểm, bà Bùi Diệu Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Bến Nghé (quận 1), đặt vấn đề, liệu việc thu phí sử dụng công năng vỉa hè đã đạt được mục đích ban đầu đặt ra chưa?

Dẫn giải cho việc này, bà Tâm cho hay, đường Tôn Đức Thắng (quận 1), các xe phóng rất nhanh trong khi người dân không thể đi trên vỉa hè. Tương tự, vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chiếm dụng buôn bán, đỗ xe, không có vạch cho người đi bộ. Thậm chí, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ người dẫn cũng tự ý đậu xe rồi vào chụp ảnh, dù ở đây không được phép đậu xe...

Bà Bùi Diệu Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Bến Nghé (quận 1). (Ảnh: Trần Hải)

"Tôi cho rằng thu phí không chỉ tăng ngân sách mà còn nhằm tăng trách nhiệm của người quản lý, chứ không phải thu xong rồi để tràn lan như hiện nay", bà Tâm nêu.

Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, cho rằng, TP.HCM đang bị quá tải hạ tầng giao thông. Vì thế, nếu triển khai thu phí nên cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho xe gắn máy, ô tô.

"Nên đưa ra các giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi để xe, đây chiến lược lâu dài, giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng", bà Sáu đề xuất.

Về công tác thu phí, bà Sáu cho rằng thành phố nên giao cho một đơn vị đứng ra thực hiện, thay vì phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí.

Theo trình bày khái quát về dự thảo của Sở GTVT, mức thu phí thuê lòng đường để giữ xe được đề xuất khác nhau theo từng khu vực.

Khu vực 1 (có các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.8120.000 đồng/m²): Các tuyến đường trung tâm có giá thuê là 350.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 180.000 đồng/m².

Khu vực 2 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m²): Các tuyến đường trung tâm có giá thuê 100.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 70.000 đồng/m².

Khu vực 3 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 8.524.000 đồng/m²) và khu vực 4 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 4 triệu đồng): Có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường đều 60.000 đồng.

Khu vực 5: Có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường là 50.000 đồng/m².

Ngoài ra mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè cho các hoạt động khác có giá từ 20.000 đồng - 100.000 đồng/m², tùy từng khu vực.

Trần Hải

Tin mới