Đây là đề xuất của Sở GTVT TP.HCM tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo "Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố tại TP.HCM", diễn ra sáng nay 13/6.
Khu vực Hồ Con Rùa (quận 3), người dân để xe tràn xuống cả lòng đường. (Ảnh: Trần Hải)
Theo trình bày khái quát về dự thảo của Sở GTVT, mức thu phí thuê lòng đường để giữ xe được đề xuất khác nhau theo từng khu vực.
Khu vực 1 (có các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.8120.000 đồng/m²): Các tuyến đường trung tâm có giá thuê là 350.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 180.000 đồng/m².
Khu vực 2 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m²): Các tuyến đường trung tâm có giá thuê 100.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 70.000 đồng/m².
Khu vực 3 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 8.524.000 đồng/m²) và khu vực 4 (có giá đất bằng hoặc cao hơn 4 triệu đồng): Có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường đều 60.000 đồng.
Khu vực 5: Có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường là 50.000 đồng/m².
Ngoài ra mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè cho các hoạt động khác có giá từ 20.000 đồng - 100.000 đồng/m², tùy từng khu vực.
Vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu bị chiếm dụng giữ xe máy. (Ảnh: Trần Hải)
"Việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, chỉnh trang đường phố, đem lại nguồn thu cho ngân sách cho thành phố", đại diện Sở GTVT TP.HCM, đánh giá.
Theo tính toán của Sở này, việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách TP.HCM khoảng 1.522 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu từ lòng đường 550 tỷ đồng/năm và thu từ vỉa hè 972 tỷ đồng/năm.
Số tiền này được Sở GTVT TP.HCM đề nghị nộp toàn bộ vào ngân sách TP để phục vụ duy tu bảo trì lòng đường, hè phố sau khi cấp một phần cho các quận, huyện phục vụ nhiệm vụ, công tác thu phí.
"Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe dự kiến tại các tuyến đường trung tâm cao hơn các tuyến đường còn lại để hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc giao thông", đại diện Sở GTVT TP.HCM nhận định.
Sở GTVT cũng dự kiến đề xuất UBND TP.HCM xem xét trình HĐND TP.HCM thông qua đề án, để sớm ban hành áp dụng ngay trong năm 2023.
Sở GTVT cho biết, mạng lưới đường bộ tại TP.HCM đang khai thác có tổng chiều dài 4.904.000 m (gồm 5 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh, 457 tuyến đường huyện, 3180 tuyến đường xã, 1.286 tuyến đường đô thị, 308 đường chuyên dùng và 733 tuyến các loại đường nông thôn khác).