Sở giáo dục – Đào tạo tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức thi tuyển nhiều chức danh quản lý một số đơn vị trực thuộc, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã lộ rõ không ít bất cập, khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch của kỳ thi.
Cấp tập, triệt người tài
Ngày 7/1/2019, ông Nguyễn Bá Ninh (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, vừa nghỉ hưu từ 1/3/2019) ban hành kế hoạch thi tuyển 14 chức danh quản lý các đơn vị giáo dục trực thuộc sở.
Theo đó, thời gian để các ứng viên nộp hồ sơ bắt đầu từ ngày 8/1, hạn cuối là 26/1. Kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày (12, 13/2 thi viết; 17, 18/2 thi trình bày đề án). Phần thi viết gồm các nội dung: Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyên ngành; nghiệp vụ quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và một số nội dung khác do hội đồng thi tuyển đề ra.
Phần trình bày đề án, ứng viên phải đánh giá được thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị nơi dự tuyển; dự báo, đề xuất kế hoạch, giái pháp phát triển đơn vị; chương trình hành động để thực hiện kế hoạch đó; phong cách lãnh đạo, quản lý…
Nhiều cán bộ, giáo viên của ngành GD-ĐT Ninh Thuận cho rằng với quy định về thời gian như trên, chỉ riêng việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự tuyển đã “bở hơi tai”, ứng viên làm gì còn đủ thời gian để ôn luyện số lượng kiến thức quá rộng và đầu tư công sức để soạn thảo đề án! Dư luận hồ nghi phải chăng các chức danh của kỳ thi đã được… định sẵn?
Cũng theo kế hoạch kỳ thi, đối tượng dự tuyển là công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm (bao gồm bằng cấp chuyên môn, quản lý Nhà nước, trình độ lý luận chính trị, lịch sử chính trị bản thân); thuộc diện quy hoạch các chức danh và đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh đó. Nếu công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn phải được tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT Ninh Thuận đề cử tham dự và Thường vụ Đảng ủy Sở đồng ý bằng văn bản.
Rõ ràng với quy định này, những cán bộ, giáo viên thực tài của ngành GD-ĐT Ninh Thuận không thể đăng ký dự thi nếu không được sở đề cử và Đảng ủy sở “cấp phép”.
Thi chỉ là hình thức?
Ngay sau kết quả thi tuyển được công bố, dư luận cho rằng kỳ thi chỉ mang tính hình thức. Theo quy định của kỳ thi do Sở GD-ĐT Ninh Thuận ban hành, mỗi vị trí chức danh thi tuyển phải có tối thiểu 2 người dự thi để cạnh tranh. Như vậy, với 14 chức danh thi tuyển của kỳ thi này, lẽ ra phải có ít nhất 28 người hoặc 28 lượt ứng viên dự tuyển (vì có thể 1 người dự tuyển 2 vị trí - PV). Tuy nhiên, thực tế chỉ có 18 người tham dự kỳ thi. Thậm chí, có ứng viên dự tuyển 2 chức danh nhưng chỉ thi viết, rồi bỏ phần trình bày đề án, để ứng viên còn lại nghiễm nhiên… trúng tuyển.
Sở GD-ĐT Ninh Thuận phải giải trình với UBND tỉnh au kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo
Đơn cử, ở vị trí chức danh Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục phát triển hòa nhập Ninh Thuận có 2 ứng viên là bà Phạm Thị Diệu Huyền (giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh Ninh Thuận) và Tiến sĩ Trần Thị Xuyến (Phó phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận).
Sau khi thi viết, Tiến sĩ Xuyến đã không tham gia thi trình bày đề án và bà Huyền sau đó đã… trúng tuyển. Điều khó hiểu là bà Huyền chưa có các chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị, giáo dục khuyết tật; bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên mà quy định của kỳ thi phải có.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu bà Huyền không phải là cháu của ông Nguyễn Bá Ninh thì bà này liệu có được ưu ái như vậy?
Ngoài ra, 3 hiệu phó trực thuộc sở nhưng lịch sử chính trị bản thân cũng chưa được hội đồng thi tuyển thẩm định như quy định.
Danh sách ứng viên trúng tuyển của kỳ thi được ông Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính sở cho là tài liệu... mật!
Giải trình với UBND tỉnh Ninh Thuận về những lùm xùm của kỳ thi, Sở GD-ĐT Ninh Thuận thừa nhận trong quá trình triển khai thực hiện còn những hạn chế, khuyết điểm, cần rút kinh nghiệm nhưng không nêu rõ đó là những khuyết điểm gì, ai là người chịu trách nhiệm?
Tréo ngoe ở chỗ, trong văn bản giải trình, Sở GD-ĐT Ninh Thuận thừa nhận có những trường hợp chưa đủ điều kiện dự thi nhưng vẫn được thi tuyển, rồi trúng tuyển là do hội đồng thi tuyển quyết định… cho phép thi (!?). Với cách lý giải này của Sở GD-ĐT Ninh Thuận không khác gì kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Sở đặt ra quy định rồi lại tự phủ quyết quy định.
Kế hoạch kỳ thi là tài liệu… mật (?)
Khi tiếp nhận thông tin về kỳ thi, phóng viên VTC News đã nhiều lần liên lạc bằng điện thoại di động với ông Nguyễn Bá Ninh để tìm hiểu kỹ vấn đề nhưng vị nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận không nghe máy, cũng không tiếp nhận tin nhắn. Ngày 4-5, phóng viên trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Tiến Hùng (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của Sở GD-ĐT Ninh Thuận, thành viên của hội đồng thi tuyển). Khi phóng viên đặt vấn đề tìm hiểu vụ việc thì ông Hùng hỏi ngược: “Chuyện thi cử chức danh của ngành, nhà báo tìm hiểu làm gì?”. Sau đó, ông Hùng còn bảo kế hoạch, quy chế kỳ thi là tài liệu… mật, không được cung cấp.
Ông Nguyễn Anh Linh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận – sau khi khẳng định những thông báo, kế hoạch, danh sách thí sinh dự thi, thí sinh trúng tuyển là những tài liệu công khai, đã cung cấp toàn bộ cho phóng viên.