Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Số F0 ở TP.HCM đã giảm, vì sao Hà Nội lại tăng từng ngày?

(VTC News) -

Chuyên gia lý giải vì sao số ca COVID-19 ở TP.HCM thời gian qua giảm dần, trong khi ở Hà Nội ngày càng tăng.

Thống kê của Bộ Y tế, số ca COVID-19 ở TP.HCM những ngày gần đây xu hướng giảm dần, dao động từ 500 đến hơn 700 ca mỗi ngày. Ngược lại, ca COVID-19 ở Hà Nội tăng dần, từ hơn 1.700 tới gần 2.000 ca hàng ngày. Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về số F0 mới vài ngày qua. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mới đây cũng nêu thời gian tới, số ca COVID-19 của thành phố có thể lên tới 5.000-7000 ca/ngày.

Hà Nội chưa đạt đỉnh dịch?

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TP.HCM đã qua đỉnh dịch, lại có nhiều người mắc COVID-19 tự nhiên nên số ca bệnh bền vững như hiện nay. Còn Hà Nội, do đang ở giai đoạn dần lên đỉnh của dịch nên số ca nhiễm luôn đứng đầu cả nước và cao hơn TP.HCM.

Dù tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nội ở mức cao, nhưng xét về mặt bằng chung thì thành phố vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine. Vì thế dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2. Hơn nữa, công tác cách ly của Hà Nội nguy cơ lây lan lẫn nhau, dẫn đến F0 tăng.

“TP.HCM hiện cũng nhẹ nhàng hơn với vấn đề F0. Còn Hà Nội do số ca nhẹ nhiều, tỷ lệ tử vong thấp, cộng thêm tâm lý chủ quan của người dân nghĩ đã tiêm vaccine rồi, làm số người mắc COVID-19 nhiều hơn”, ông Nga nói.

Thống kê số ca bệnh ở Hà Nội từ 1/12 đến nay.

Số ca bệnh ở TP.HCM giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM bày tỏ, số ca COVID-19 ở TP.HCM giảm hơn nhiều so với trước đây là do thành phố đã qua đỉnh dịch. Còn Hà Nội, giờ mới đang đến giai đoạn đó.

“Dự kiến đỉnh dịch của Hà Nội còn tăng cho đến hết mùa lạnh. Nhưng dù số ca bệnh tăng thì quan trọng nhất là Hà Nội làm sao để đánh giá được tải khối điều trị thế nào, số bệnh nhân tăng thì phương án bảo vệ cho họ ra sao… Những yếu tố đó phải tính toán được hết thì mới đảm bảo số ca bệnh tăng nhưng ở mức an toàn. Phải tính được điều đó thì số bệnh nhân cũng mới giảm được”, BS Khanh nói.

Nói về lý do số F0 ở thành phố liên tục tăng, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội từng chia sẻ, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Đặc biệt, một số người tâm lý cho rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không mắc bệnh và không lây truyền cho người khác. 

Thông tin về số ca F0 ở TP.HCM xu hướng giảm, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch mới đây, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM cho biết, từ sau khi giãn cách, thành phố không thay đổi phương án xét nghiệm tầm soát F0 ở những nơi như trường học, doanh nghiệp, bệnh viện và trong cộng đồng… Số F0 của TP.HCM đang giảm nghĩa là dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm dần.

Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế còn khẳng định, số báo cáo ca nhiễm hằng ngày của TP.HCM là báo cáo thực, không có chuyện lấy thành tích mà thành phố giảm xuống. Số liệu dựa vào đối tượng được phát hiện theo quy trình tầm soát người nguy cơ cao, học sinh .... và công bố theo quy trình. Tuy nhiên, có thể vẫn còn người mắc COVID-19 nhưng không đến khai báo.

Tiêm vacicne, phân tầng điều trị

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thành phố hiện đã có kế hoạch hạn chế ca mắc COVID-19. Trong đó, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc thực hiện 5K không tập trung đông người, hạn chế di chuyển nếu không thực sự cần thiết…

Song song với đó, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, thực hiện tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn, quan tâm tới việc bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh hiểm nghèo kể cả trong vấn đề tiêm vaccine hay là trong vấn đề điều trị.

“Thành phố đang thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong”, ông Cương nhấn mạnh.

Để kiểm soát tình hình dịch COVID-19, hạn chế nguy cơ ca bệnh tăng cao và giảm tỷ lệ tử vong ở Hà Nội, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng sẵn kịch bản đánh giá nguy cơ cụ thể của từng xã, phường, quận, huyện, thậm chí là của tổ dân phố, thôn, xóm với phương châm “Nguy cơ đến đâu thì đáp ứng tới đó” nhưng phải thật quyết liệt.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Hà Nội cũng cân nhắc thật kỹ việc cấm các hoạt động gì, hạn chế hoạt động gì, những hoạt động nào có điều kiện, tổ chức sự kiện ra sao để có phương án an toàn nhưng hạn chế tối đa để ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân vì dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Ngoài ra, thành phố cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền cho người dân về việc đi lại, tham gia các hoạt động an toàn, hạn chế đi lại, thăm nom, chúc tụng, liên hoan, hội họp, ăn uống. Người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế với nguyên tắc “Mỗi người an toàn thì khu phố, phường xã an toàn, khu phố an toàn thì quận, huyện, thành phố an toàn”…

Ngoài việc phủ rộng hơn nữa vaccine thì Hà Nội cần đẩy nhanh tiêm mũi 3, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là người già, những người mắc bệnh lý nền và bị suy giảm miễn dịch. Thành phố cũng cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống y tế cơ sở bằng việc thiết lập thêm các trạm y tế lưu động, tăng cường vật tư thiết yếu, vận động thêm nhân lực sinh viên trường y hoặc cán bộ y tế đã về hưu tham gia chống dịch.

“Thành phố chú ý phân tầng điều trị thật chính xác để tránh tình trạng 'quá tải ảo'. Nghĩa là bệnh nhân có người không triệu chứng, chưa cần thiết phải chăm sóc y tế thì lại tới viện, ngược lại, những bệnh nhân thực sự cần can thiệp y tế thì lại không có chỗ điều trị. Việc điều tiết này rất quan trọng”, ông Phu nhấn mạnh.

Phố Hàng Mã (phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đông kín người qua lại đêm Noel.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, tuy hiện nay số ca bệnh ở Hà Nội có thể vẫn nằm trong dự đoán trước, nhưng để kiểm soát, tránh gia tăng về số ca bệnh khiến hệ thống y tế quá tải thì Hà Nội không thể trông chờ vào ý thức người dân, mà hệ thống chính quyền phải giám sát.

“Nếu chúng ta quay lại giãn cách thì số F0 vẫn tăng, song không phải vì thế mà không siết chặt kiểm soát lại. Tôi thấy chúng ta đang buông lỏng, lơ là trong khâu kiểm tra, giám sát. Phải tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động. Tất nhiên việc này cần cả hệ thống chính quyền cơ sở và vai trò trách nhiệm của mỗi người chứ không thể trông chờ vào ý thức người dân được", ông Hùng nói.

Phạm Quý - Thanh Hải

Tin mới