Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sợ COVID-19, nhà giàu Mỹ đổ tiền mua hầm trú ẩn dưới lòng đất

Nhiều đại gia Mỹ chi hàng triệu USD để mua hầm trú ẩn sâu dưới lòng đất ở New Zealand để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 đang lan rộng.

Theo Bloomberg, khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Mỹ, một giám đốc điều hành tại Thung lũng Silicon gọi điện cho hãng xây hầm trú ẩn Rising S. Ông muốn biết cách mở cửa bí mật đến hầm trú ẩn trị giá hàng triệu USD của mình ở New Zealand.

Giám đốc công nghệ này chưa bao giờ sử dụng boong-ke và không nhớ cách mở khóa”, Bloomberg dẫn lời ông Gary Lynch - CEO Rising S - tiết lộ. "Ông ấy cũng hỏi về cách sử dụng điều hòa không khí và máy nước nóng".

Doanh nhân nói trên điều hành một công ty công nghệ ở Bay Area nhưng sống tại New York, tâm chấn của dịch COVID-19 tại Mỹ. “Ông ta đến New Zealand để trốn tránh mọi thứ. Theo như tôi biết, ông ấy vẫn đang ở đó”, ông Lynch kể thêm.

Đã từ lâu, New Zealand là điểm đến nổi bật trong kế hoạch trú ẩn của giới nhà giàu Mỹ. Cách bờ biển phía nam Australia khoảng 1.600 km, New Zealand là nơi ở của khoảng 4,9 triệu người. Quốc đảo xanh, sạch, được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên, cuộc sống thoải mái và cơ sở y tế hàng đầu.

New Zealand là điểm đến nổi bật trong kế hoạch trú ẩn của giới nhà giàu Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

 

Boong-ke đủ sức chứa hàng trăm người

Trong những tuần qua, New Zealand đã được khen ngợi vì các phản ứng kịp thời chống đại dịch. Nước này đã sớm thực hiện 4 tuần phong tỏa và có nhiều trường hợp phục hồi. Quốc đảo chỉ ghi nhận 12 ca tử vong do COVID-19. Tại Mỹ, số người tử vong lên đến 39.000 người.

Mạng lưới trú ẩn toàn cầu Vivos lắp đặt một boong-ke đủ sức chứa 300 người ở South Island, phía bắc thành phố Christchurch, theo nhà sáng lập Robert Vicino. Ông nhận được hai cuộc gọi trong tuần qua từ các khách hàng tiềm năng muốn xây dựng thêm hầm trú ẩn trên đảo.

Tại Mỹ, hơn 20 gia đình đã chuyển đến một hầm trú ẩn 5.000 người của Vivos ở South Dakota. Vivos cũng xây dựng một boong-ke 80 người ở Indiana và hầm trú ẩn 1.000 người tại Đức.

Trong khi đó, Công ty Rising S đã xây dựng khoảng 10 hầm trú ẩn tư nhân tại New Zealand trong vài năm qua. Chi phí trung bình là 3 triệu USD cho một hầm trú ẩn 150 tấn.

Giá sẽ lên đến 8 triệu USD nếu bổ sung thêm các tiện nghi như phòng tắm sang trọng, phòng trò chơi, phòng thể hình, rạp chiếu phim và giường đa chức năng.

Giá trung bình là 3 triệu USD cho một hầm trú ẩn 150 tấn. (Ảnh: Bloomberg)

 

Một số người ở Thung lũng Silicon đã chuyển đến New Zealand khi dịch bệnh leo thang. Ngày 12/3, doanh nhân Mihai Dinulesco quyết định tạm dừng hoạt động startup tiền điện tử của mình để chạy trốn đến một đất nước khác.

Tôi nghĩ họ có thể đóng cửa biên giới, điều tôi lo lắng là bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi có cảm giác mãnh liệt rằng chúng tôi cần phải đi”, Bloomberg dẫn lời ông Dinulesco, 34 tuổi, chia sẻ.

Ông Dinulesco đóng gói đồ đạc, TV, tranh vẽ và một số vật dụng khác. Sau đó, cựu sinh viên Đại học Harvard và vợ bay đến Auckland (New Zealand). “Tại sân bay ở San Franciso, toàn bộ khu vực quốc tế trống rỗng, ngoại trừ một chuyến bay đến New Zealand”, ông kể lại.

Tìm mọi cách lấy thị thực

Bốn ngày sau, New Zealand đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài. Ông Dinulesco cho biết “rất nhiều người không đủ sợ hãi để bay kịp trước khi đóng cửa biên giới”. Giờ, họ không thể đến nơi trú ẩn được nữa. Tuy nhiên, sau khi New Zealand tuyên bố lệnh phong tỏa, truyền thông địa phương cho biết số máy bay tư nhân bay đến nước này tăng nhẹ.

Ông Dinulescu hiện làm việc cho startup nhỏ thiết kế khẩu trang lọc khí Ao Air. Nhà đồng sáng lập người New Zealand Dan Bowden cho biết ông đã nhận được hàng chục yêu cầu từ các đối tác tiềm năng ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Dan tỏ ra cảnh giác.

Một số người sợ hãi và tiếp cận chỉ vì họ muốn có thị thực mà thôi”, ông nói. Một nhà đầu tư có trụ sở ở Mỹ hỏi rằng liệu ông ta có đủ điều kiện đến New Zealand hay không nếu đầu tư mạnh tay vào startup. New Zealand cung cấp thị thực cho các nhà đầu tư với giá 6 triệu USD trong khoảng 3 năm.

Nhà phát triển bất động sản hạng sang Graham Wall nói ông đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ giới nhà giàu Mỹ hỏi mua biệt thự trên đảo. “Tất cả đều nói rằng New Zealand là nơi an toàn nhất bây giờ”, ông nói.

Mặc dù không có biệt thự, Dinulescu không có ý định quay lại Thung lũng Silicon cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh. Ông và vợ đang trú ẩn trên đảo Waiheke trong một căn nhà 2 tầng, 3 phòng ngủ với tầm nhìn ra biển có giá 2.400 USD/tháng, ít hơn 1/3 so với số tiền họ phải trả cho căn hộ 2 phòng ngủ tại San Francisco.

Giới nhà giàu Mỹ tìm mọi cách để đến New Zealand giữa đại dịch. (Ảnh: Bloomberg)

 

Perrin Molloy, một thợ xây địa phương, mô tả Waiheke là “sân chơi của tỷ phú”. Ông Molloy thường được gọi sửa chữa các biệt thự lớn trên đảo, đa phần không có ai ở quanh năm. “Những ngôi nhà này được thiết kế để trở thành nơi trú ẩn cho các tỷ phú khi họ cần tránh xa phần còn lại của thế giới”, anh nhận xét.

Thông thường, ở Waiheke, những người xây, sửa chữa nhà không biết danh tính của chủ sở hữu ngôi nhà. Một trong các đồng nghiệp của Molloy đã xây dựng một ngôi nhà trị giá 12 triệu USD có đường hầm vừa 4 người đi. “Nó rõ ràng là một đường hầm thoát hiểm dưới tầng hầm”, anh ta nói.

Rõ ràng, dịch virus corona khiến mọi người nhận ra rằng tất cả chúng ta dễ tổn thương như thế nào. Nhưng điều mọi người quan tâm hơn cả là hậu quả của nó”, nhà sáng lập Vivos cho biết.

Ông tin rằng giới nhà giàu lo sợ sự sụp đổ kinh tế hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến các cuộc nổi dậy chống lại 1% người giàu nhất. “Họ không muốn phải bảo vệ nhà của mình khi các băng đảng cướp bóc xuất hiện”, ông nói thêm.

Nguồn: Zing News

Tin mới