Hiện dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khi cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới, lây lan nhanh; số ca mắc mới cũng tăng vọt.
Những ngày gần đây, số ca nhập viện do COVID-19 có dấu hiệu tăng lên.
(Ảnh: TTXVN)
Ca mắc tăng, ca nặng tăng theo
Nếu giai đoạn trước, số ca mắc mới theo ngày đã giảm xuống dưới 1.000 ca thì những ngày gần đây, con số này lại tăng cao đột biến; đặc biệt trong 4 ngày liên tiếp vừa qua, số ca mắc mới đã vượt mốc 2.000 ca/ngày.
Theo Bộ Y tế, so với tháng trước, số ca mắc COVID-19 tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong; hiện còn 6.388 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 675 ca đang điều trị tại bệnh viện; có 44 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 3 ca thở máy.
Đặc biệt cùng với gia tăng số ca mắc mới, số ca COVID-19 nặng, phải nhập viện theo dõi, điều trị cũng tăng lên.
Đơn cử như tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), số ca mắc COVID-19 nhập viện có dấu hiệu tăng so với tuần trước đó. Bình quân trong tuần vừa qua, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 6- 8 bệnh nhân nhập viện điều trị. Các bệnh nhân nặng đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền; thường là những người đã tiêm 2- 3 mũi vaccine và trước đó chưa mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp trước đó đã mắc COVID-19 và đang mắc lại, phải nhập viện. Đa số các bệnh nhân đang điều trị tại đây là những bệnh nhân có bệnh nền cần phải theo dõi, chăm sóc y tế; trong đó, có một số bệnh nhân nặng phải thở máy, một số bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, thở oxy dòng cao.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng có khoảng 100 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 10 bệnh nhân thở máy. Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tại đây cũng có xu hướng tăng so với khoảng thời gian trước. Đa phần các bệnh nhân đều phải can thiệp thở máy, HFNC, thở oxy mask với liều lượng oxy cao.
Để xây dựng các phương án cho các tình huống dịch, các cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 cũng đã có dự trù, chuẩn bị; thậm chí có thể tăng cường thêm các đơn nguyên điều trị; tăng cường thêm nhân lực, máy móc, vật tư, thuốc men để phòng tình trạng nếu có đợt bùng phát dịch mới cần phải mở rộng quy mô điều trị.
Theo Bộ Y tế, hiện trên thế giới, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron. Đặc biệt, các biến thể mới cũng liên tục biến đổi, đã xuất hiện các biến thể mới là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Việt Nam đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5; số ca mắc mới đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế; nhất là trong bối cảnh nguy cơ “dịch chồng dịch” khi nhiều dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát như: Sốt xuất huyết, cúm A… như hiện nay.
Chủ động, không chủ quan
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, với quan điểm "phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở" cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại. Trong đó biện pháp quan trọng là tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho người dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 6/8, cả nước đã tiêm được tổng số 48.638.368 mũi nhắc lần 1 (mũi 3) vaccine phòng COVID-19 (chiếm 74,0%). Hiện vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp là: Quảng Nam (53,9%); Bình Định (55,7%); Khánh Hòa (54,6%); Đồng Nai (46,5%); Cần Thơ (53,1%)…
Với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), đến nay, cả nước đã tiêm được tổng số 10.594.168 mũi tiêm (54,5%) tăng 0,9%.
Với nhóm người từ 12- 17 tuổi, đến nay đã tiêm nhắc lại được 3.272.460 mũi (đạt 37,7%), tăng 0,5%.
Với nhóm trẻ từ 5- 11 tuổi, đã tiêm được tổng số 12.689.706 mũi.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tiến độ tiêm chủng vaccien phòng COVID-19 đã có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây; cụ thể, trong nửa cuối tháng 7/2022, số liều vaccine được tiêm tăng 34% so với nửa đầu tháng 7/2022.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương hoàn thành việc tiêm cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng, nhất là các nhóm nguy cơ cao; xây dựng và ban hành kế hoạch tiêm vaccine năm 2023 và kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.
Theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, tập trung hơn nữa để chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong phòng chống dịch.
Cụ thể, các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Cùng với việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19; các đơn vị tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Đồng thời các đơn vị tiếp tục bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
Cùng với đó, việc tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng. Việc tuyên truyền giúp nâng cao kiến thức người dân, ý thức bảo vệ sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh; nhất là tuyên truyền việc thực hiện 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) và tiêm vaccine; tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.