Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Số ca COVID-19 hàng ngày ở Indonesia vượt Ấn Độ và Brazil ngày thứ 4 liên tiếp

(VTC News) -

Hệ thống y tế ở quốc gia Đông Nam Á đang bị quá tải trước biến chủng Delta.

Indonesia hôm 18/7 báo cáo 44.721 ca COVID-19, ngày thứ 4 liên tiếp số ca vượt Ấn Độ (41.283) và Brazil (34.126). Thêm vào đó, 1.093 bệnh nhân tử vong nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở Indonesia lên 73.582 người.

Hệ thống y tế ở quốc gia Đông Nam Á đang phải chịu áp lực lớn khi biến chủng Delta lây lan khắp các khu vực. Nhiều tình nguyện viên chỉ còn có thể đến từng nhà để đưa thi thể những người đã qua đời đi, sau khi những bệnh nhân này không thể tiếp cận cơ sở điều trị.

Số ca COVID-19 hàng ngày ở Indonesia vượt Ấn Độ và Brazil ngày thứ 4 liên tiếp. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia y tế cho rằng con số ở Indonesia vẫn chưa phản ánh đủ thực tế. “Giờ Indonesia đã là tâm dịch châu Á. Thực tế, nếu chúng tôi có khả năng xét nghiệm tốt hơn, có lẽ chúng tôi đã là tâm dịch thế giới rồi”, bác sĩ Dicky Budiman, nhà dịch tễ học người Indonesia tại đại học Griffith Australia nói.

Ông cho rằng do ở Indonesia, việc xét nghiệm là bị động chứ không phải chủ động, nên họ đang bỏ lỡ khoảng 80% số ca bệnh trong cộng đồng. Những người đến các cơ sở y tế chỉ là những người thể hiện triệu chứng hoặc được xác định là có tiếp xúc với người bệnh.

Theo số liệu của Our World in Data, hệ thống xét nghiệm của Indonesia thuộc nhóm yếu nhất thế giới. Họ chỉ thực hiện khoảng 56 xét nghiệm trên mỗi 1.000 người từ khi đại dịch bắt đầu. Tỷ lệ xét nghiệm này thấp hơn ở Ấn Độ (318,86 xét nghiệm/1000 người) và Anh (3.311,03 xét nghiệm/1.000 người).

Ngoài Indonesia, một số quốc gia trong khu vực khác cũng đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các biến chủng hung hăng hơn và tình trạng thiếu vaccine càng làm tình hình thêm trầm trọng.

Tại Malaysia, các bệnh viện phải sử dụng thêm container hàng thay cho những nhà xác đã quá tải. Thái Lan phải xây dựng thêm bệnh viện dã chiến tại sân bay. Tại Myanmar, mạng xã hội tràn ngập lời kêu gọi cung cấp oxy.

Chưa đến 4% dân số Myanmar được tiêm 1 liều vaccine COVID-19. Chương trình tiêm vaccine ở nước này, cùng với hệ thống y tế, bị gián đoạn nghiêm trọng theo sau chính biến tháng 2 - khi quân đội giành kiểm soát từ chính quyền dân sự và nền kinh tế đóng băng với hàng loạt cuộc đình công và biểu tình.

4 nhà tang lễ lớn ở Yangon, Myanmar trải qua những tuần lễ bận rộn nhất vừa qua khi phải chôn cất có ngày lên đến hơn 700 người.

Thái Lan và Philippines cũng mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho chưa đầy 5% dân số.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ quốc tế đã cảnh báo về “chia rẽ vaccine toàn cầu” và kêu gọi các nước giàu đẩy nhanh quá trình chia sẻ vaccine.

Tốc độ tiêm chủng chậm của khu vực càng bị ảnh hưởng khi Thái Lan trì hoãn sản xuất. Công ty của hoàng gia Thái Lan, Siam Bioscience, nơi sản xuất vaccine AstraZeneca, có hợp đồng cung cấp vaccine cho các nước hàng xóm. Nhưng công ty này hiện đã hoãn giao hàng và Thái Lan đang xem xét hạn chế xuất khẩu vaccine để ưu tiên cho nhu cầu trong nước.

Hiện Thái Lan có hơn 400.000 ca COVID-19.

Tại Malaysia, số người chết tăng gấp 3 từ đầu tháng 5, chạm mốc 6.866 người. Các biện pháp phong tỏa khiến nhiều người gặp khó khăn. Nhiều người dân treo cờ trắng trên cửa sổ như biểu tượng cho việc họ đã không thể tiếp tục gắng gượng về kinh tế được nữa, và cần hỗ trợ.

Phương Anh

Tin mới