Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu xung phong vào ‘vùng đỏ’ chống dịch

(VTC News) -

Địa phương bùng phát dịch bệnh COVID-19, nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu tình nguyện xung phong vào "vùng đỏ" với quyết tâm chung tay đẩy lùi đại dịch.

Nửa tháng nay, 19 đoàn viên, thanh niên (theo học các ngành Y - Dược) có mặt ở mọi "điểm nóng" dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết dịch tễ. Trong khi đó, ở Quảng Bình, một cựu bác sĩ về hưu cũng vừa đăng ký vào "vùng đỏ" và đang dốc sức trong cuộc chiến dập "giặc COVID-19".

Huyện đoàn kêu gọi, sinh viên sẵn sàng vào "vùng đỏ"

Hôm nay (Quốc khánh 2/9), một ngày hiếm hoi kể từ khi tham gia chống dịch, Nguyễn Minh Phương (22 tuổi, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) không khoác lên mình bộ đồng phục bảo hộ. Tạm gác công việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, Phương và 18 bạn tình nguyện viên khác được nghỉ một ngày lễ để hồi phục thể trạng sau khoảng thời gian liên tục "cày ải" trên mặt trận chống dịch.

Nhiều sinh viên y khoa như Phương, Bưởi tình nguyện vào "vùng đỏ" chống dịch.

Giữa tháng 8 vừa qua, Huyện đoàn Đại Lộc thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ đội ngũ y tế địa phương chống dịch COVID-19, chẳng chút do dự, Phương lập tức viết đơn đăng ký. Chừng 4 ngày sau, Phương nằm trong danh sách 19 đoàn viên, thanh niên tình nguyện vào "vùng đỏ". "Em vừa hoàn thành 4 năm theo học ngành Điều dưỡng tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, nhận thấy tình hình dịch COVID-19 tại địa phương đang căng thẳng, em cũng muốn đóng góp sức mình nhằm san sẻ bớt nỗi khó khăn, vất vả với lực lượng tuyến đầu", Phương nói và chia sẻ thêm, nhờ trang bị kiến thức tốt trong suốt những năm tháng theo học ngành Y nên việc lấy mẫu xét nghiệm đối với cô dễ như trở bàn tay.

Song, việc toàn thân luôn được bao bọc trong lớp đồ bảo hộ dưới tiết trời oi bức khiến Phương đôi lần kiệt sức. Nhiều hôm quần quật với công tác lấy mẫu xét nghiệm rồi hỗ trợ truy vết F1, F2 đến tận khuya khoắt, về đến phòng, chân tay Phương mỏi rã rời. "Thể xác có thể yếu mệt nhưng tình thần chính là chất xúc tác giúp em vượt qua mọi trở ngại. Cứ nghĩ đến bà con quê mình đang bị dịch bệnh giày xéo, không ít người phải oằn sức giành giật sự sống khi chẳng may nhiễm bệnh, là mọi mệt mỏi thường nhật trong em đều tan biến", Phương bộc bạch.

Cũng như Phương, Phạm Thị Yến Bưởi (24 tuổi, trú xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) tự nguyện xung phong vào "vùng đỏ" ngay từ những ngày đầu Huyện đoàn Đại Lộc kêu gọi.

Nửa tháng nay, Bưởi cùng các thành viên trong nhóm xuất hiện ở mọi "điểm nóng" dịch COVID-19 của 5 xã trên địa bàn huyện Đại Lộc: Đại An, Đại Hòa, Đại Hưng, Đại Hồng và Đại Đồng. Đây là 5 xã bùng phát dịch nghiêm trọng từ giữa tháng 8 với nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng.

"Các địa phương trên đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Xác định tham gia chống dịch là tụi em đã lên dây cót tinh thần là quẳng đi nỗi lo sợ.

Trong những ngày trực tiếp đi lấy mẫu F1, F2 và không ít trường hợp sau đó được phát hiện dương tính nCoV, tinh thần của chúng em cũng không hề nao núng. Thực sự khi tham gia hỗ trợ chống dịch, chúng em mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của các cô chú, anh chị đang công tác trong ngành Y. Đây cũng chính là động lực giúp em nuôi quyết tâm sẽ trở thành một thầy thuốc tài đức vẹn toàn trong tương lai", Bưởi thổ lộ.

Các tình nguyện viên quyết tâm khi nào sạch bóng COVID-19 thì mới về nhà.

Khi được hỏi khi nào nhóm tình nguyện viên tham gia chống dịch sẽ thôi nhiệm vụ, Phương, Bưởi hay nhiều bạn khác đều khẳng định chắc nịch: "Bao giờ "giặc COVID" vắng bóng, quê hương không còn "vùng đỏ" thì chúng em mới trở về nhà".

Anh Mai Thanh Sang, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho biết, Huyện đoàn Đại Lộc thành lập đội thanh niên tình nguyện với nòng cốt gồm 19 sinh viên đang theo học hoặc tốt nghiệp các ngành Y - Dược.

"Đội thanh niên tình nguyện tham gia xuyên suốt cùng đội ngũ y tế của huyện trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Họ được bố trí chỗ ở riêng nhằm đảm bảo cách ly và thuận tiện cho việc tham gia chống dịch. Huyện đoàn sẽ tiếp tục vận động thêm đoàn viên, thanh niên tham gia trong thời gian tới", anh Sang nói.

Bác sĩ về hưu viết đơn tự nguyện tham gia chống dịch

Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, 58 tuổi, trú phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình.

Lá đơn tình nguyện tham gia chống dịch của bác sĩ Ngân.

Cuối tháng 8 vừa qua, khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với tâm huyết của một thầy thuốc, bác sĩ Nguyễn Thị Ngân đã viết đơn tự nguyện tham gia chống dịch COVID-19.

Trong đơn tình nguyện gửi đến Sở Y tế Quảng Bình, bà Ngân trình bày: “Nguyên là cán bộ ngành Y tế Quảng Bình đã nghỉ hưu. Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, tôi đã có đơn tình nguyện cùng đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Bình tham gia phòng, chống dịch cho các tỉnh phía Nam. Nay vì một số lý do mà đến nay đoàn chưa xuất phát.

Bên cạnh đó, dịch tại tỉnh Quảng Bình bùng phát trong cộng đồng, khả năng còn diễn biến phức tạp. Trước mắt, để chia sẻ khó khăn, chung tay chống dịch cùng đồng nghiệp, tôi làm đơn này tự nguyện tham gia công tác chống dịch tại tỉnh nhà, chịu sự phân công của lãnh đạo Sở Y tế, làm bất cứ việc gì mà Sở Y tế phân công”.

Để ghi nhận tinh thần tự nguyện của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, ngành Y tế Quảng Bình tiếp nhận và bố trí cho nữ bác sĩ về hưu này đến quản lý khu cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung.

Theo nhiều bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, ngoài những cống hiến về chuyên môn, bác sĩ Ngân còn là người rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện.

Chính bác sĩ Ngân là người nêu ý tưởng thành lập “Ngân hàng máu sống” trong các đoàn viên công đoàn của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình từ những năm 2000, đồng thời cũng là người đặt nền móng cho quỹ “Bữa ăn vì người bệnh nghèo”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngân. (Ảnh: Q.B)

Được biết, bác sĩ Nguyễn Thị Ngân hiện có một cô con gái đang làm việc ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Bình. Khi hay tin mẹ viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch, người con này của bác sĩ Ngân động viên, ủng hộ vì biết rằng "mẹ đã quyết tâm thì khó mà thay đổi".

"Với em, đã làm nghề y là phải cống hiến, dù đang công tác hay đã nghĩ hưu. Em mong mẹ giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức cùng lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh”, con gái của bác sĩ Ngân tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh và ghi nhận việc làm đầy ý nghĩa của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều y, bác sĩ; nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm tình nguyện tham gia hỗ trợ ngành Y tế tỉnh nhà trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19".

THANH BA - LÊ NGỌC

Tin mới