Theo SCMP, cái gọi là "sinh viên giỏi" hay "sinh viên kiểu mẫu" này là sản phẩm của hệ thống giáo dục truyền thống của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh đến việc vâng lời giáo viên, tuân theo mệnh lệnh của phụ huynh, tự suy ngẫm quá mức và không ngừng theo đuổi sự xuất sắc.
Trớ trêu thay, con đường tưởng chừng như tích cực này thoạt đầu có vẻ đào tạo ra những ứng viên lý tưởng cho công việc, nhưng trong một số trường hợp, cuối cùng họ lại phải đối mặt với sự bóc lột nhiều nhất, bởi sự tuân phục quyền lực đã ăn sâu vào tâm trí. Từ trường học đến nơi làm việc, môi trường thay đổi nhưng bản sắc của các "sinh viên giỏi" vẫn vậy, chấp nhận mọi việc theo đúng mệnh lệnh, sợ mắc lỗi và quen xin lỗi.
Khi phải đối mặt với áp lực phải làm việc và bị cấp trên chỉ trích, những "sinh viên giỏi" thường cho rằng mọi khuyết điểm là lỗi của bản thân, do họ làm chưa đủ tốt.
"Sinh viên giỏi" ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực và sự bóc lột nơi công sở. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Trong hoàn cảnh như vậy, họ lo lắng và chán nản, thậm chí có thể cảm thấy xấu hổ và đến mức điều đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ. Hơn nữa, những người như vậy còn bị chế giễu trên mạng xã hội, nơi họ được coi là “người được chọn”.
Vào tháng 1 năm nay, một nhóm gồm những cá nhân “đau lòng” và hoang mang này đã thành lập một nhóm mang tên “Nạn nhân của tâm lý sinh viên giỏi” trên Douban, một nền tảng mạng xã hội và là trang xếp hạng sách - phim nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Nhóm này đã phát triển nhanh chóng, thu hút hơn 77.000 thành viên chỉ sau bảy tháng, trở thành nơi tụ tập để kể về những rắc rối, gặp phải với cái mác "sinh viên giỏi". Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trở thành “sinh viên gương mẫu” và phân tích tâm lý này cản trở sự phát triển nghề nghiệp và gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý ra sao.
Trong một bài đăng được chia sẻ vào ngày 18/8, một người cho rằng việc tuân theo quyền lực vô điều kiện có thể là một dạng tổn thương.
“Điều tôi cảm thấy đáng sợ là tôi thậm chí còn chọn cách đối phó bằng cách tự động hoàn thành các nhiệm vụ do người khác yêu cầu trước khi họ ra lệnh! Bằng cách này, tôi có thể tránh bị áp đặt. Về cơ bản, điều này tương đương với việc tự hủy hoại và tự thuần hóa”, người này viết.
Một người khác trong nhóm bình luận: "Vì vậy, lấy lại quyền tự chủ chính là chìa khóa! Hãy tự đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm và lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống của mình".
Vương Phương, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết: "Từ góc độ tâm lý học, cái giá của hiện tượng này là sự đánh mất con người thật của một người. Mỗi cá nhân đều có giá trị nhưng trong điều kiện kéo dài, 'sinh viên giỏi' theo bản năng bắt đầu tin rằng họ chỉ có giá trị khi đáp ứng một số điều kiện nhất định".
Bà Vương nói thêm: "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được điều này để giành lại chính mình, xem lại tính chủ quan mà chúng ta đã đầu hàng người khác. Những cá nhân như vậy nên tin tưởng bản thân, khẳng định bản thân, chăm sóc bản thân và yêu thương bản thân".