Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sinh nhật tuổi 19 tại bệnh viện của nữ sinh bị vi khuẩn ăn rỗng tủy xương

(VTC News) -

Ở tuổi đôi mươi, Tuệ Linh ngỡ sẽ được sống trọn vẹn với những ngày tháng đẹp nhất của sinh viên nhưng năm 2022 cô bất ngờ phát hiện mắc bạo bệnh.

Phát hiện bệnh sau cơn sốt kéo dài

Một tối giữa tháng 8/2024, trong căn phòng ký túc xá của doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc, Phùng Tuệ Linh (21 tuổi, quê Bình Phước, đang là sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao) tất bật gấp gọn quân tư trang, sẵn sàng chuẩn bị cho buổi sinh hoạt cuối cùng trong đợt học nghĩa vụ quân sự. Nhìn cô nàng 10X nhanh nhẹn, hoạt bát khi đi lại, ít ai biết cách đây không lâu, Linh vừa trải qua ca phẫu thuật xương chân phức tạp khi không may mắc phải căn bệnh loạn sản xơ xương.

Cách đây hai năm, Linh sốt cao dài ngày, uống thuốc không thuyên giảm. Một hôm, khi leo giường tầng của ký túc xá, cô bất ngờ khựng lại vì xương chày nhói đau, đến mức Linh không thể tiếp tục lên giường mà nằm luôn dưới sàn nhà.

Linh được bạn cùng phòng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm xương cần nhập viện điều trị, nếu để lâu chân có thể gãy bất cứ lúc nào. “Bước ra khỏi phòng khám, tôi ngồi thụp xuống ghế rồi bật khóc, hoang mang, không muốn tin”, Linh nhớ lại.

Đêm đầu tiên nằm viện, Linh được truyền kháng sinh, nhưng chỉ sau vài phút, cô bị dị ứng, sốc phản vệ độ 4. Các bác sĩ nỗ lực rất nhiều nhưng tình trạng không thuyên giảm. Diễn biến bệnh phức tạp khiến Linh phải chuyển viện. Nằm trên giường bệnh với chân trái nổi gân xanh, đau nhức, nhiều lần Linh nghĩ sẽ phải gác lại ước mơ công tác trong lĩnh vực ngoại giao. 

Chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết quả hội chẩn cho thấy, Linh mắc bệnh cốt tủy viêm, u xương chày và loạn sản xơ xương. Cô được bác sĩ thông báo mắc bệnh viêm tủy bẩm sinh, từ rất lâu vi khuẩn đã ăn rỗng tủy xương. Đến khi phát hiện bệnh thì bên trong ống đồng chân trái của Linh gần như đã bị đục rỗng và nguy cơ gãy xương bất cứ lúc nào. May mắn, kết quả sinh thiết cho thấy Linh không mắc ung thư.

Hình ảnh chân trái của Linh được phẫu thuật để ghép xương. (Ảnh: NVCC)

Để điều trị, Linh phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật và chung sống với một phần xương nhân tạo suốt cuộc đời. Do có tiền sử sốc phản vệ nên trong ca phẫu thuật Linh chỉ có thể được gây tê. Sau mũi tiêm gây tê tủy sống, Linh mất hoàn toàn khả năng điều khiển nửa thân dưới, không có cảm giác đau nhưng lại cảm nhận rất rõ những gì các bác sĩ làm với chân trái.

Để thay thế xương nhân tạo, các bác sĩ phải khoan, đục hơn 30cm xương tại vùng ống đồng của Linh. Sau 6 tiếng lúc tỉnh lúc thiếp trên bàn mổ, tiếng hô “ca mổ thành công” từ các phẫu thuật viên khiến Linh bừng tỉnh.

Sau 2 tiếng ở khu theo dõi phản ứng, Linh được chuyển về phòng hậu phẫu. 4 tiếng sau mổ, thuốc tê dần hết khiến toàn thân xác Linh đau đớn, nhưng chính sự quan tâm của y bác sĩ, người thân và bạn bè xung quanh đã tiếp thêm sức mạnh để cô chiến thắng bệnh tật.

Đón tuổi mới trên giường bệnh

Quãng thời gian điều trị bệnh cũng để lại cho cô gái những kỷ niệm đẹp. Trong lần sinh nhật đón tuổi 19, Linh nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh các bạn cùng phòng ký túc xá đạp xe hơn 10km ôm theo cúc hoạ mi và bánh kem đến bệnh viện mừng Linh đón tuổi mới.

Do quá khuya nên Linh không được ra khỏi toà nhà, các bạn cũng không được vào bên trong buồng bệnh, họ phải đứng nhìn nhau qua vách cửa nhưng bài hát chúc mừng sinh nhật hôm đó xen lẫn tiếng vỗ tay từ các cô, các bác cùng phòng bệnh khiến Linh có kỷ niệm không thể quên.

Linh đón tuổi 19 trong bệnh viện. (Ảnh: NVCC)

Nằm viện thời gian ngắn, Linh xuất viện về tá túc tạm nhà họ hàng, tác dụng của thuốc gây tê tủy sống mạnh khiến Linh nôn liên tục. Trong suốt 2 tuần tiếp theo, cứ ngồi dậy là đầu lại choáng váng, buồn nôn.

Khi sức khoẻ tạm ổn định, cô lên xe đò trở về quê hương Bình Phước để gần gia đình, cũng để tìm cho mình không gian thoáng đãng, giải toả những bí bách suốt quãng thời gian nằm viện.

Ở quê, Linh nhớ lại lời bác sĩ hướng dẫn, sau mổ 4 tuần có thể bắt đầu dùng nạng tập đi. Từ mốc 6 tuần có thể dùng chân trụ lực nhưng vẫn cần có nạng hỗ trợ. Nếu tiến triển tốt, có thể tự đi không cần nạng sau 8 tuần. Nỗ lực được đền đáp, 2 tháng sau ca phẫu thuật, Linh bỏ nạng, tự mình bước đi nhẹ nhàng, một năm sau ca mổ Linh đã có thể đi lại bình thường.

Sau hành trình điều trị bệnh, Linh trở thành con người mới, nói chuyện và yêu thương nhiều hơn trước. Cô cũng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về bệnh tật của mình lên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm lớn, truyền cảm hứng về nghị lực và lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

Như Loan

Tin mới