Cụ thể, hải quân Mỹ được cho là đang xây dựng kế hoạch tái trang bị hệ thống vũ khí cho cả ba tàu khu trục tàng hình Zumwalt một lần nữa bằng cách thay thế hệ thống hải pháo 155mm bằng các tên lửa tấn công siêu thanh.
Các chuyên gia quân sự của Sputnik cho rằng họ không hiểu được mục tiêu của hải quân Mỹ khi đưa ra kế hoạch nâng cấp Zumwalt bởi ngay từ đầu khi phát triển chương trình khu trục hạm thế kỷ 21 (SC-21) tiền thân của lớp Zumwalt – các tướng lĩnh Mỹ đã muốn muốn trang bị cho nó 500 bệ phóng tên lửa thẳng đứng (VLS). Tuy nhiên, sau đó hải quân Mỹ lại thay đổi quyết định và vũ trang lại cho Zumwalt hệ thống hải pháo tiên tiến AGS (155mm).
USS Zumwalt (DDG 1000) phóng thử tên lửa SM-2 trong một cuộc diễn tập vào năm 2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Bản thân chương trình AGS cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề khi hải quân Mỹ quyết định cắt giảm số lượng tàu Zumwalt từ 32 chiếc xuống còn chỉ 3 chiếc, điều này đẩy chi phí dành cho AGS lên con số cao không tưởng, kèm theo đó giá đạn dược đắt đỏ.
Chưa dừng ở đó, hải quân Mỹ tiếp tục biến Zumwalt thành vật thí nghiệm cho các chương trình vũ khí khác nhau sau khi tích hợp thêm cho nó các tên lửa đa nhiệm SM-2, SM-6 và cả tên lửa phòng không ESSM.
Quay lại kế hoạch nâng cấp Zumwalt, trong cuối tháng 10 vừa qua, một nguồn tin hải quân Mỹ tiết lộ với Naval News rằng số phận các hệ thống pháo AGS đã được định đoạt, bắt đầu từ năm tài chính 2014, chúng sẽ được tháo gỡ khỏi Zumwalt và thay vào đó là hệ thống VLS có khả năng triển khai tên lửa tấn công siêu thanh tầm xa IRCPS.
Hải quân Mỹ còn cho biết họ đã bắt đầu lên các phương án kỹ thuật để có thể gỡ bỏ toàn bộ số pháo AGS hiện tại thay bằng các hệ thống tên lửa mới. Tuy nhiên, phía hải quân Mỹ lại không tiết lộ mỗi chiếc Zumwalt có thể mang thêm theo bao nhiêu tên lửa.
Các chuyên gia quân sự phỏng đoán, với cấu trúc thân tàu Zumwalt cùng ngân sách đi kèm, mỗi tàu có thể sẽ được trang bị thêm 12 bệ phóng VLS.
Hệ thống pháo AGS trên các khu trục hạm Zumwalt.
Vì sao Mỹ vội vàng trang bị tên lửa cho Zumwalt?
Các nhà quan sát nhận định, Lầu Năm Góc đẩy nhanh việc trang bị các loại vũ khí siêu thanh ở cả lục quân và hải quân là dấu hiệu cho họ không muốn tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh, bởi cả Nga và Trung Quốc đều đã đưa loại vũ khí này vào biên chế.
Về khả năng của vũ khí siêu thanh, chúng có thể di chuyển với vận tốc ít nhất Mach 5 (hơn 6.100km/h), nhanh hơn nhiều các dòng tên lửa tấn công thông thường. Loại vũ khí này cũng được phân thành nhiều dòng khác nhau dựa trên khả năng tấn công của chúng nhưng về cơ bản chúng đều không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường và có sức công phá cực kỳ lớn.
Quân đội Mỹ hiện đang phát triển một số mẫu vũ khí siêu thanh nhưng không có chương trình nào đang ở trong giai đoạn nghiệm thu, tất cả đều chỉ ở mức thử nghiệm. Về phía Nga và Trung Quốc họ đã tiến tới việc đưa vào trang bị hoặc phát triển các vũ khí siêu thanh mạnh mẽ hơn. Điển hình như Nga, nước này đang thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon từ các tàu chiến, mẫu tên lửa này có thiết kế nhỏ gọn và uy lực hơn các thế hệ vũ khí siêu thanh thế hệ đầu.
Một hệ thống tên lửa siêu thanh LRHW đang được Lockheed Martin phát triển cho quân đội Mỹ. (Ảnh: Kyle Larsen)
Lục quân và hải quân Mỹ cũng đã tiến hành số một cuộc thử nghiệm chung với tên lửa IRCPS ở Hawaii vào đầu năm 2020, tầm bắn của tên lửa này ước tính vào khoảng 2.700km. Tuy nhiên, tên lửa IRCPS vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và vẫn chưa rõ khi nào nó mới được biên chế.
Vào tháng 9/2021, Triều Tiên cũng tuyên bố thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh tên Hwasong-8, mặc dù có rất ít thông tin chi tiết về loại vũ khí này.