Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Siết kiểm soát hàng Tết, tránh lặp lại vụ Khaisilk, Seven.Am’

Đại diện Quản lý thị trường cho biết sẽ siết chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Lợi dụng dịp này, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để trà trộn, đưa ra lưu thông trên thị trường.

Cuối năm 2019, Seven.Am bị phạt 170 triệu đồng vì sửa nhãn mác làm sai lệch thông tin hàng hóa. (Ảnh: Hoàng Đông)

Thông thường, hàng giả, hàng nhái tập trung ở các nhóm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo; các mặt hàng điện tử, điện lạnh; mặt hàng khẩu trang, cồn rửa tay, thiết bị dụng cụ y tế…

Đặc biệt, năm nay tình hình dịch COVID-19 khiến cho thị trường gặp nhiều biến động, việc khan hiếm hàng hóa như vật tư y tế phòng, chống dịch khiến nhiều đối tượng vì chạy theo lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả với quy mô, số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.

“Trước đây, trong một số vụ việc hàng giả mà lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cho thấy một số đối tượng đã móc nối giữa cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả hoặc lợi dụng cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam đem lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, điển hình như vụ hệ thống cửa hàng Khaisilk (Công ty TNHH Khải Đức) bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; hệ thống cửa hàng thời trang Seven.Am (Công ty CP MHA) bán quần áo Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; 1,8 triệu tấn nhôm (Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam) ghi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam…”, ông Hùng nói.

Theo ông Trần Việt Hùng, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ phải tập trung cao độ, “siết” chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất. Đồng thời, ban hành các kế hoạch triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm, Tết Dương lịch 2021, trước, trong và sau Tết Tân Sửu, bảo đảm hiệu quả mục đích, yêu cầu.

Ngoài ra, Cục QLTT TP Hà Nội giao các đội QLTT thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cụ thể tại các chương trình hội chợ, khuyến mại, các chương trình đẩy mạnh ủng hộ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức tại địa phương.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người tiêu dùng có ý thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc; hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Nguồn: Zing News

Tin mới