Kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là một trong những nội dung được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để triển khai hiệu quả công tác này, Đảng đã ban hành các nguyên tắc thủ tục, quy trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật ngày càng hoàn thiện và dần đi vào nề nếp. Các cuộc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đều được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, mang lại nhiều kết quả tích cực, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.
Hơn 8.900 đảng viên bị kỷ luật trong 9 tháng
Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng 9 tháng đầu năm của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho thấy, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 33.857 tổ chức đảng và 189.293 đảng viên (tăng 27,9% tổ chức, 40,96% đảng viên so với cùng kỳ năm 2021).
UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.894 tổ chức đảng, 6.204 đảng viên (tăng 59,69% số tổ chức, tăng 40,68% số đảng viên so với cùng kỳ năm 2021). Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 231 tổ chức đảng, 8.926 đảng viên; Bộ Chính trị kỷ luật 10 tổ chức đảng, 5 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 28 đảng viên.
Nội dung kiểm tra tiếp tục đi vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như: Công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán; thực hiện trách nhiệm nêu gương; thực hiện các dự án đầu tư...
Kết quả đã đạt được cho thấy các cấp ủy, UBKT các cấp đã chủ động, quyết liệt thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên để kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm, đồng thời tìm ra những cách làm hay, hiệu quả để nhân ra diện rộng.
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã xây dựng mô hình “Chi bộ nói không với đảng viên vi phạm kỷ luật”, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm “Thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm đảng viên vi phạm kỷ luật” nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp để kéo giảm tối thiểu 10% đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. (Ảnh: Báo Đồng Khởi).
Điểm mới trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát là việc kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp chấp hành tại hội nghị cấp ủy định kỳ, nội dung kiểm tra tập trung việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tham gia vào sự lãnh đạo chung của cấp ủy, trách nhiệm nêu gương, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng đoàn kết nội bộ... Qua kiểm tra có tác động tích cực đối với các cấp ủy viên, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đồng thời tạo sự lan tỏa đến các cán bộ khác để tự soi, tự sửa.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” nhằm giám sát hoạt động của hệ thống chính trị, làm tốt công tác xây dựng Đảng; kịp thời nắm chắc tình hình cơ sở, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cấp ủy cơ sở và nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên hiệu quả hơn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo cách thức “xây dựng điển hình”, “học tập điển hình”, “bắt kịp điển hình” và “vượt qua điển hình”.
“Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã giúp các cấp ủy đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực; phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, phát hiện những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực chất, nhiều tổ chức đảng, đảng viên là điển hình trong công tác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được biểu dương, khen thưởng và nhân rộng” - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết.
Chủ động phòng ngừa, hạn chế những vi phạm phát sinh
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm tổ chức mới đây, ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập 4 đoàn kiểm tra và 2 đoàn giám sát theo Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2022, tiến hành kiểm tra, giám sát tại 44 cấp ủy địa phương, đơn vị.
Tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà, dự án xây dựng khu dân cư đô thị nông thôn, dự án đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, việc mua sắm trang thiết bị lĩnh vực y tế...
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung theo thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2012-2020 của UBKT Trung ương và các kết luận liên quan của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Qua việc kiểm tra của UBKT Trung ương, Tỉnh ủy Phú Yên đã kịp thời nhận thức được những lỗi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên, qua đó kịp thời quán triệt các cấp ủy đảng, đảng viên về các lỗi phạm, các nguyên nhân để các tổ chức Đảng, đảng viên nhận thức, chủ động phòng ngừa, hạn chế những vi phạm phát sinh.
Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành khắc phục những vi phạm, kịp thời ngăn chặn, không để vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
"Đây cũng là bài học để tỉnh Phú Yên, các cấp ủy trong tỉnh xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới tốt hơn, hiệu quả hơn” - ông Phạm Đại Dương cho biết, đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm.
Qua kiểm tra của UBKT Trung ương, có 10 tổ chức đảng, 11 đảng viên bị xử lý kỷ luật, 12 tập thể tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xây dựng kế hoạch khắc phục những vi phạm, khuyết điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh phát biểu Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. (Ảnh: Báo Cao Bằng).
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên.
Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quy định về nêu gương, Kết luận số 21, Quy định về những điều đảng viên không được làm; giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới, sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng giai đoạn 2021-2025.
Đối với lĩnh vực kinh tế, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư...
Trong 9 tháng đầu năm, 150 đảng viên ở Cao Bằng bị kỷ luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quản lý tài chính, tài sản, mua sắm vật tư trang thiết bị lĩnh vực y tế...
Theo đánh giá, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi, có việc, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Điều này đòi hỏi các cấp ủy, UBKT các cấp tiến hành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.