Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Showbiz Hong Kong từng kiệt quệ thế nào vì đại dịch SARS?

Năm 2003, Hong Kong chìm trong bầu không khí ảm đạm vì dịch SARS mặc dù đặc khu bước vào mùa xuân, ngành công nghiệp giải trí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

17 năm trước về trước, đại dịch SARS khởi nguồn từ Quảng Đông quét qua đặc khu hành chính Hong Kong và trở thành một mảng ký ức kinh hoàng trong tâm trí của người dân nơi đây. SARS còn khiến mọi hoạt động thường nhật tại "hòn ngọc châu Á" bị ngưng trệ hơn 6 tháng.

Và showbiz Hong Kong cũng không ngoại lệ. Mùa xuân năm 2003 - làng giải trí Hương Cảng vắng lặng như tờ vì đại dịch.

Giai đoạn tăm tối nhất trong lịch sử showbiz

Tình cảnh lạnh lẽo hiện tại của làng giải trí Hoa ngữ ở Đại lục không khác gì tình cảnh của showbiz Hong Kong cách đây 17 năm.

Chỉ trong một tuần SARS bùng phát vào những ngày đầu tháng 2, đặc khu đã ghi nhận hơn 200 người bị nhiễm bệnh và biến tòa nhà 19 tầng Amoy Garden - ổ dịch ở Hương Cảng trở thành khu nhà "ma quỷ" trong mắt người dân.

Ngay lập tức, nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch SARS được chính quyền ban bố. Tuy nhiên, nỗ lực là vô nghĩa.

Bước sang tháng 3, đại dịch dường như vượt ra ngoài tầm kiểm soát và nỗi hoảng loạn bao trùm khắp Hong Kong. Đến thời điểm này, hoạt động nghệ thuật - giải trí chính thức bị cấm vận hoàn toàn.

Làng giải trí Hong Kong hoang lạnh vì đại dịch SARS. Khẩu trang trở thành vật bất ly thân của nhiều nghệ sĩ.

Mãi đến hơn 6 tháng sau, làng giải trí Hương Cảng mới được nối lại hoạt động. Thời gian SARS gây náo động đặc khu cũng là lúc khủng hoảng hình thành trong nền công nghiệp giải trí Hong Kong.

Theo TMT Post, hội chứng suy hô hấp cấp tính đã khiến quá trình quay phim ngưng trệ trong 4 tháng, hơn 60 rạp chiếu phim hoạt động vỏn vẹn được 4 ngày vào những ngày đầu tháng 2 rồi đóng cửa im lìm trong 6 tháng, doanh số phòng vé chỉ kiếm được đúng 1,2 triệu USD.

Lịch trình làm việc của nhiều nghệ sĩ cũng vì SARS chịu xáo trộn không ít. Tài tử Phương Trung Tín tổn thất 150.000 USD vì kế hoạch sang Thượng Hải, Đài Loan quay phim bị hủy bỏ.

Liveshow của Dư Văn Lạc, Tạ Đình Phong, Lưu Đức Hoa lần lượt thông báo tạm hoãn tổ chức. Người đẹp Tuyên Huyên mất hẳn 4 hợp đồng quảng cáo lớn với số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD.

Thế nhưng, đây chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, tổn thất vật chất do căn bệnh bí ẩn năm xưa gây ra còn nghiêm trọng hơn thế.

Cặp sao tri kỷ Trương Quốc Vinh - Mai Diễm Phương ra đi khiến công chúng không khỏi xót thương.

Đầu tháng 4, bức tranh tâm hồn với đầy mảng tối của người dân Hong Kong một lần nữa chịu đả kích trước sự ra đi của nam nghệ sĩ tài hoa Trương Quốc Vinh. Đúng ngày Cá tháng 4, giữa lúc dịch bệnh hoành hành dữ dội, tại khách sạn Mandarin Oriental, Ca Ca giã biệt dương gian để trở về cõi vĩnh hằng.

Những ngọn đèn được thắp sáng vốn để tô điểm vịnh Victoria thêm rực rỡ, nay bỗng trở nên heo hắt trong không khí tang thương và nồng nặc mùi thuốc khử trùng.

Đến lúc dịch bệnh đi qua khi nỗi nhớ về Trương Quốc Vinh vẫn chưa nguôi ngoai, làng giải trí xứ Cảng thơm tiếp tục khánh kiệt về mặt tinh thần khi "bách biến thiên hậu" Mai Diễm Phương lìa đời vì bệnh ung thư. Showbiz Hong Kong khép lại năm 2003 theo một cách chẳng ai muốn nhớ.

"Anh cả" TVB gắng gượng vực dậy lòng người

Sự ra đi của Trương Quốc Vinh như giọt nước tràn ly đẩy tinh thần của người dân Hong Kong chạm đáy vực thẳm.

"Tin tức về Trương Quốc Vinh được phát ra rả trên sóng truyền hình và radio. Cái chết của anh ấy khiến chúng tôi có cảm giác mình tựa như một quả bóng đang xì hơi. Trong phòng bệnh cách ly, chẳng ai nói với nhau một lời. Nhưng chúng tôi đều có cùng một suy nghĩ bao giờ sẽ đến lượt mình", một nhân chứng của đại dịch SARS năm xưa chia sẻ.

Sau 5 ngày Hương Cảng trầm mặc không khí buồn thương, TVB quyết định tổ chức Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong lần thứ 22 vinh danh Trương Quốc Vinh.

Tuy nhiên, toàn bộ lễ trao giải lại thấm đẫm sự đau buồn và nỗi thấp thỏm lo sợ bị nhiễm bệnh. Nhiều ngôi sao hàng đầu từ chối đi thảm đỏ, trong khán đài họ cũng không thể cởi bỏ chiếc khẩu trang dù nước mắt chảy dài. Đến nay, đây vẫn được coi là sự kiện kinh điển của ngành điện ảnh Hong Kong.

"Tứ đại thiên vương Hong Kong" xuất hiện trên sân khấu Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong với tâm trạng nặng nề.

Để mang đến năng lượng tích cực cho người dân đặc khu giữa thời kỳ bệnh dịch hoành hành, TVB bất chấp ý kiến tiêu cực của dư luận, khai máy làm việc.

Các bộ phim hài nhẹ nhàng lần lượt được ghi hình và phát liên tiếp trên sóng nhà đài xứ Cảng thơm như Gia đình vui vẻ bản hiện đại, Xứ thần tiên, Cửu ngũ chí tôn...

Một chương trình phòng dịch mạo hiểm của TVB khi để nhân viên tác nghiệp trực tiếp ở các bệnh viện cũng được ra đời giữa muôn vàn sự chỉ trích "coi rẻ mạng người".

Vượt qua áp lực dư luận, nhà đài tiếp tục tổ chức ghi hình MV đồng ca bài hát Trái tim Hong Kong - đồng sức, đồng lòng với sự tham dự của hơn 40 nghệ sĩ cùng đội ngũ y bác sĩ.

Hưởng ứng TVB, đài ATV và các phương tiện truyền thông khác ở Hong Kong đã bắt tay công tác sản xuất các chương trình chống dịch với khẩu hiệu "Tâm liền tâm - Cùng nhau đẩy lùi bệnh dịch" với sự góp mặt của hàng trăm ngôi sao nổi tiếng.

Không chỉ vậy, Hiệp hội điện ảnh Hong Kong thời bấy giờ còn đứng ra mời đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, Trần Khả Tân, Châu Tinh Trì... quay 10 bộ phim ngắn để phát độc quyền trên TVB với mục đích vực dậy tinh thần người dân trước nghịch cảnh khó khăn.

Các buổi ghi hình, tụ tập mở tiệc vẫn diễn ra như ngày thường tại TVB bất chấp dịch bệnh leo thang.

Đúng như toan tính, việc làm của nhà đài Hong Kong đã tưới mát tâm hồn, giúp nhiều người thoát khỏi bóng đen và chữa lành sự hoài nghi về nhân sinh do đại dịch SARS mang đến để họ vững tin xây dựng lại cuộc sống.

Nguồn: Zing News

Tin mới