Chia sẻ tại tọa đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững" chiều 11/7, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Duy Tân Recycling, cho biết mỗi ngày, chỉ riêng lượng chai nhựa cứng thải ra môi trường từ khu vực Đà Nẵng đến các tỉnh miền Nam, Duy Tân Recycling thu gom đến 180 tấn. Con số này tương đương 10 triệu chai.
"Tức là mỗi ngày, nếu trung bình một người dân TP.HCM bỏ ra môi trường 1 chai nhựa thì chúng tôi đủ sức thu gom hết. Và 10 triệu chai nhựa này khi tái chế chúng tôi thu được khoảng 70%. Hiện Duy Tân Recycling mới tái thu gom, tái chế chai ra chai, chủ yếu là các chai nước uống, chai, lọ đựng hóa mỹ phẩm", ông Lê Anh cho biết.
Thu gom 2,4 tỷ chai nhựa
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, ngành tái chế nhựa ở Việt Nam đã có 40 năm chứ không mới. Tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp tham gia vì nhiều lý do. Người tiêu dùng vẫn còn khắt khe với sản phẩm này, trong khi doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải có vốn, hiểu về ngành, có con người và có công nghệ.
Riêng trong năm 2023, công ty đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa.
"Làm nhựa tái chế, chất lượng cao thì chi phí tăng lên khoảng 30-35% so với nhựa chính phẩm. Tức nếu mua nhựa chính phẩm 1 đồng thì mua nhựa tái chế khoảng 1,3 đồng. Đây là ngành mới nên Duy Tân chưa thể tính chuyện có lợi nhuận tốt ngay như kỳ vọng mà phải sau 3-5 năm, khi thị trường trong nước có người sử dụng nhiều, người tiêu dùng ý thức được sử dụng nhựa tái chế tốt cho môi trường. Các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang xem xét thôi chứ chưa quyết tâm với sản phẩm tái chế như doanh nghiệp nước ngoài", ông Lê Anh cho biết.
Vòng quay tái sinh rác thải nhựa đang được nhiều doanh nghiệp, tổ chức hành động vì môi trường tích cực thực hiện. (Ảnh: Duytan Recycling)
Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ tái chế được 2/3 lượng rác thải nhựa, và mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chung tay. Như thế không chỉ để phát triển ngành tái chế, mà mục tiêu lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết lượng rác nhựa đang thải quá lớn ra môi trường.
Hiện doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy công suất 60.000 tấn, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái chế mỗi năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn 3, công suất nhà máy có thể đạt tới 100.000 tấn/năm, tương đương mỗi năm tái chế 7 tỷ chai nhựa.
Xu hướng dùng nhựa tái chế
Bà Chu Thị Kim Thanh – Giám đốc Vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), cho biết thống kê đã có 29 công ty lớn, trong đó rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đã trở thành thành viên của PRO Vietnam. Hiện phần lớn các sản phẩm đóng chai ở siêu thị là sản phẩm tái chế. Các thương hiệu lớn đưa ra, và người tiêu dùng cũng dần vui vẻ đón nhận.
Tọa đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững" chiều 11/7.
Tuy nhiên, với lượng sản phẩm sử dụng bao bì nhựa đưa ra thị trường và lượng tiêu dùng hàng ngày lớn như hiện nay, nếu chỉ 29 doanh nghiệp này thì cũng như muối bỏ biển. Nhà nước cần có chính sách để nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia, thì chương trình mới đi đến đích.
Ông Trương Anh Hải - Phó tổng giám đốc NS BlueScope Vietnam, nói bây giờ không còn cam kết nữa, mà phải hành động. Trách nhiệm với môi trường, phát triển bền vững là của tất cả mọi người chứ không chỉ gói gọn với doanh nghiệp, tổ chức nào.
Theo ông Hải, người đứng đầu doanh nghiệp phải là những người quyết tâm và làm gương thực hiện, có trách nhiệm với quyết tâm của doanh nghiệp chứ không phải hô hào suông. Ông nêu dẫn chứng trong một hội nghị về cam kết giảm phát thải với sự quy tụ của nhiều doanh nghiệp, nhưng mỗi lãnh đạo từ cấp quản lý phòng đến cấp cao nhất của doanh nghiệp mỗi người đi một ô tô, thì cam kết cũng không ý nghĩa.
Không chỉ tái chế nhựa, việc thay thế dần chai nhựa bằng chai giấy đã được một số doanh nghiệp bắt đầu áp dụng. (Ảnh: H. Linh)
Cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa.
Việt Nam cũng đang là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nhiều mặt: giảm đa dạng sinh học rừng (rừng nguyên sinh chỉ còn 8% so với 50% ở các nước trên thế giới); Nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ cho nông nghiệp; Hạn hán làm hoang mạc hoá nhiều khu vực ở miền Trung; Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, xã hội, kinh tế kém phát triển và nghèo đói.
Toạ đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững" là một phần quan trọng của chuỗi "Việt Nam hướng đến tương lai bền vững”, được khởi xướng và tổ chức bởi LifeNex và PDA & Partners, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Lãnh sự quán nhiều nước tại TP.HCM cùng sự tham gia của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia chính sách, các nhà nghiên cứu và các cá nhân ủng hộ phát triển bền vững.