Chiều 29/10, trả lời VTC News, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, sau khi nhận được 35 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư hai ngành Y và Dược bị tố gian lận, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã yêu cầu hội đồng giáo sư hai ngành rà soát kỹ, nghiêm túc, khách quan, minh bạch toàn bộ hồ sơ các ứng viên, bởi đây là uy tín, danh dự của ngành Y, Dược.
Hội đồng ngành sẽ có báo cáo giải trình chi tiết để Hội đồng Giáo sư Nhà nước xem xét và trình Chủ tịch Hội đồng quyết định. Nếu thấy cần thiết, Hội đồng Giáo sư Nhà nước mới yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.
Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng cho biết, việc xác minh lại hồ sơ các ứng viên của Hội đồng ngành Y, Dược không ảnh hưởng đến tiến trình thời gian xét giáo sư, phó giáo sư năm 2020.
(Ảnh: Cường Hà)
Theo kế hoạch, sáng 29/10, Hội đồng Giáo sư ngành Y, Dược sẽ làm việc với GS.TS Nguyễn Ngọc Châu - người gửi đơn kiến nghị xem xét lại các ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố gian lận - để làm rõ một số vấn đề trong kết quả thẩm định.
Trả lời báo chí, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y cho hay, chuyện đăng ở tạp chí khoa học như thế nào khá phức tạp. Trong hàng nghìn tạp chí hiện nay, có tạp chí dạng vừa hoạt động khoa học vừa business (kinh doanh). Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ có những bài viết để giải trình vấn đề này.
GS Phước thừa nhận công bố khoa học của ngành Y do người trong nước chủ trì là rất ít, bởi công bố khoa học của ngành này rất khó. Trong đó, nghiên cứu về y học cơ sở là những chuyện không liên quan đến bệnh tật, nhưng đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phương tiện càng hiện đại thì mới được tin tưởng.
Về nghiên cứu lâm sàng (chữa bệnh) càng ngày càng khó vì ngày càng nhiều bệnh chữa được. Do vậy, những kỹ thuật phải được chứng minh và phải rất tinh vi mới có giá trị, không như cách đây 30-40 năm có thể thống kê là chữa cái gì.
“Y học là lĩnh vực rất rộng. Hướng nâng cao chất lượng là đúng nhưng tùy đặc thù từng ngành. Có những vấn đề nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì cuối cùng chả quan tâm vì không có ai nghiên cứu và công bố. Trong khi có những chuyện đời thường vẫn rất cần thiết”, GS Phước nói.