Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2022 - 2023. Năm học này thuận lợi hơn khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, không gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục như hai năm trước. Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như lương giáo viên thấp, tỷ lệ bỏ việc ngày một tăng; tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp vẫn tồn tại ở hầu hết các thành phố lớn; giá sách giáo khoa mới cùng học phí tăng cao làm tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh và học sinh.
Bộ GD&ĐT sẽ giải quyết những vấn đề nóng trên thế nào trong năm học 2022 - 2023 là câu hỏi không chỉ giáo viên, học sinh, các chuyên gia mà cả xã hội quan tâm.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trên cả nước.
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong năm học trước, Bộ có nhiều nỗ lực, tham mưu để khắc phục tình trạng này nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2012-2022), học sinh cả nước tăng 4 triệu, từ 17,8 lên 21,8 triệu, tương đương 22,51%. Trong khi đó, số giáo viên tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21%, còn giáo viên giảm 4,05% (từ 847.500 xuống 813.200).
Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên là việc tuyển dụng không sát nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh đông nhất cả nước. Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê, năm học 2022 - 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Để chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội xây dựng thêm 51 phòng học mới, kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thiếu trường lớp, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Cụ thể sĩ số học sinh tiểu học/lớp ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp, nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại TP.HCM. Sở GD&ĐT thành phố cho biết, dù trường, lớp được xây mới hàng năm nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Điều này dẫn đến trường thiếu phòng học, phải mượn tạm phòng của cơ sở khác gần trường. Kết quả là tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày thấp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1-3.
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới phê duyệt được hơn 3 năm và triển khai sang năm học thứ 3, nhưng tình trạng thiếu giáo viên các môn học mới vẫn là khó khăn lớn nhất.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc THCS thiếu 14.653 giáo viên và THPT thiếu 11.133 giáo viên. Các tỉnh thiếu nhiều nhất là Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bạc Liêu... Riêng giáo viên để dạy môn nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc) thiếu 5.367 giáo viên.
Năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương không triển khai được môn nghệ thuật ở lớp 10 dù học sinh lựa chọn môn học này. Lý do là không có giáo viên cơ hữu, cũng chưa đề xuất được giải pháp để huy động nguồn giáo viên khác cho môn học này.
Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên do hai lý do chính: Không có biên chế; có biên chế nhưng không có nguồn tuyển. Năm học tới, ngành giáo dục được bổ sung trên 27.500 biên chế giáo viên các cấp học. Tuy nhiên việc đào tạo giáo viên đủ điều kiện về trình độ theo yêu cầu mới không kịp để bổ sung cho nguồn tuyển. Một số địa phương khó khăn chưa có cơ chế thu hút giáo viên.
Mặt khác, đây cũng là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục mới vào bậc THPT từ lớp 10. Những thuật ngữ về tổ hợp, định hướng nghề, môn tự chọn... lần đầu được nhắc đến và áp dụng khiến cả giáo viên và học sinh các trường đều bỡ ngỡ và lúng túng khi triển khai.
Năm học mới đang đặt ra hai vấn đề về sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Một là, giá sách mới cao gấp 3 - 4 lần sách hiện hành gây khó khăn với những gia đình thu nhập thấp.
Hai là, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới, đặc biệt là lớp 3, 7, 10. Nguyên nhân của việc này là những vướng mắc trong quy trình công bố danh mục sách, dẫn tới không chủ động về kế hoạch xuất bản, phát hành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhắc nhở Bộ GD&ĐT cần chủ động phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn sử dụng, thống nhất trình Chính phủ để kịp thời triển khai từ năm học 2022 - 2023.
Thực hiện chỉ đạo, cuối tháng 7/2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi dự thảo sang Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp liên quan giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Tuy nhiên đến nay gần 2 tháng trôi qua, năm học mới đã bắt đầu, việc này vẫn chưa có quyết định cụ thể từ các đơn vị.
Mặt khác, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải làm rõ những quy định hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Đồng thời, Bộ công khai các quy định về thẩm định, biên soạn, phê duyệt các bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo nội dung phù hợp chương trình. Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ giáo viên, học sinh, cần đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề định giá sách giáo khoa...
Học sinh khai giảng năm học mới 2022 - 2023.
Đầu tháng 8, dư luận xôn xao trước thông tin Sở GD&ĐT Bình Dương công bố, trong năm qua có tới 527 giáo viên nghỉ việc. Lý do chủ yếu là áp lực công việc lớn, lương quá thấp.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm học vừa qua vẫn là năm học vượt khó về đại dịch nhưng chúng ta cố gắng đạt được thứ hạng của các kỳ thi quốc tế cũng như trong nước, đồng thời đổi mới chương trình sách giáo khoa.
"Chúng ta trân trọng sự đóng góp của nhiều giáo viên và học sinh trong công tác chống dịch. Mới đây, Chính phủ đã ban hành được quyết nghị về hỗ trợ giáo viên mầm non và tiểu học gặp khó khăn vì dịch. Đây là cố gắng rất lớn bởi chủ trương này được đề xuất rất sớm nhưng do vướng chính sách về tài chính nên đến ngày 11/8/2022 chúng ta mới ban hành được", Phó Thủ tướng cho biết.
Chia sẻ về cái khó của lãnh đạo ngành giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành luôn nói mong muốn đủ giáo viên, đủ điều kiện để học sinh học 2 buổi/ngày nhưng có hai việc mà ngành không quyết định được đó là lương và biên chế giáo viên.
"Muốn cả xã hội và mọi người thông cảm, chúng ta phải nhìn thẳng vào bất cập yếu kém do chủ quan của chính mình. Chẳng hạn chúng ta không chủ động được giáo viên, trường lớp nhưng về chuyên môn, chương trình và sách giáo khoa thì Bộ GD&ĐT phải chủ động", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Từ tháng 7, Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác công bố lộ trình tăng học phí các cấp học mầm non, phổ thông từ năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81 mới thay thế Nghị định 86 của Chính phủ. Điển hình như TP.HCM dự kiến tăng học phí cao gấp 5 lần (từ 60.000 lên 300.000./tháng) so với năm học trước với học sinh nhóm 1 (thành thị) các quận và TP Thủ Đức. Mức học phí mới này vấp phải nhiều phản ứng của xã hội rằng, học phí tăng quá cao, nhiều học sinh khó khăn sẽ mất cơ hội tới trường.
Đầu tháng 7/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đề xuất lên Chính phủ xin miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 với toàn bộ các cấp học khác để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chất lượng giáo dục muốn tăng thì giá dịch vụ giáo dục phải tăng là đương nhiên, tất nhiên là theo hướng tiết kiệm. Giá dịch vụ giáo dục ở đây là điều kiện để đảm bảo chất lượng, trong đó có phần đóng góp của gia đình học sinh, gọi là học phí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ông Đam nêu quan điểm "phần đóng góp của gia đình học sinh, tức là học phí ở giáo dục phổ thông thì theo hướng không tăng, thậm chí phải thực hiện giảm, miễn".
"Hiện ở bậc tiểu học, chúng ta đã miễn học phí, giờ bàn tới bậc THCS, tiến tới phải đẩy nhanh lộ trình miễn học phí phổ thông. Nhưng nếu miễn, giảm học phí cho học sinh thì ngân sách phải bù theo hướng tính đúng, tính đủ, nếu không các nhà trường không thể có nguồn thu để chi tiêu", ông Đam nói.
Không riêng phổ thông, cả học phí đại học cũng tăng mạnh, nhiều trường tăng kịch trần lên tới trên 100 triệu đồng/năm học.
Nhiều chuyên gia và thí sinh đều cho rằng, việc tăng học phí của các trường làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng kiến nghị Chính phủ lùi thời gian áp dụng khung học phí theo Nghị định 81 thêm một năm, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa có động thái gì khác.
Mức học phí dự kiến ở TP.HCM trong năm học 2022 - 2023. (Ảnh: Hà Cường)
Từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng vào lớp 10 theo hướng chú trọng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm ngay trên ghế nhà trường.
Ngoài 6 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng), chương trình mới chia ra 3 nhóm môn tự chọn khác nhau. Nhóm 1: Vật lý, Hoá học, Sinh học. Nhóm 2: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm 3: Công nghệ, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật. Việc học sinh lựa chọn các nhóm môn khác nhau dựa trên năng lực và định hướng nghề ngiệp riêng. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá các em cũng cần được đổi mới.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho hay, về cơ bản, công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024 sẽ được giữ ổn định. Bắt đầu từ năm 2025, học sinh sẽ học và thi theo chương trình mới, cách thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn mới.
Các Sở GD&ĐT cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.