Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sau Tết, trồng và chăm sóc đào, quất cảnh thế nào để tận dụng cho năm sau?

Một số kỹ thuật đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn trồng lại đào và quất cảnh hiệu quả cho Tết năm sau.

Đào và quất là những cây cảnh không thể thiếu trong nhà mỗi dịp Tết. Nếu biết cách chăm sóc, bạn có thể tận dụng dùng lại cho Tết năm sau. Dưới đây là cách trồng, chăm sóc quất, đào sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trồng và chăm sóc đào sau Tết

Thời gian thích hợp để trồng lại đào là ngay sau Tết, đem trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là khoảng 15 tháng giêng.

Bạn chọn loại đất thịt pha sét có độ pH 7-8. Khu vực trồng là khu đất cao ráo, thoát nước hoặc chậu to đã xử lý thoát nước ở đáy chậu.

Trước khi trồng đào phải bón lót bằng phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh. Khi trồng lấp đất vừa ngang cổ rễ, lèn nhẹ đất từ xung quanh dồn vào bầu cho chặt, tưới nước đẫm. Sau đó luôn tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.

Sau khi trồng cần tiến hành cắt tỉa đào. (Ảnh: Youtube)

Sau khi trồng, cần cắt tỉa đau cành lần thứ nhất ngay theo hình dáng phù hợp, để cành mới phát sinh nhiều. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 7 âm lịch, mỗi lần cắt để lại đoạn phân cành dài 15 – 20 cm.

Sau mỗi lần cắt, cần bón phân hữu cơ cho cây. Các tháng tiếp theo cũng làm tương tự. Tuy nhiên, tháng 8, 9 cần tưới bón nhiều để thúc cho cây nảy nhiều hoa và to hơn. Đào ưa phân bắc đã ủ kỹ hoặc ngâm ngấu, nước tiểu, đạm urê nhưng không bón nhiều đạm để cây quá xanh tốt.

Thời gian tuốt lá tùy theo thời tiết lạnh hay ấm từng năm và thế cây xanh tốt hay trung bình, thường từ mùng 5 đến 10/11 âm lịch đối với đào bích và từ mùng 10 đến 15/10 âm lịch đối với đào phai. Nếu thời tiết lạnh, cây xanh tốt thì tuốt sớm hơn; ngược lại thời tiết ấm, cây trung bình thì tuốt muộn hơn.

Cách trồng lại quất cảnh sau Tết

Đối với quất, khoảng mùng 3-5 Tết, (trước khi trồng lại 10 ngày), cần dùng sản phẩm siêu ra rễ hoặc một số chế phẩm tăng trưởng phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây.

Sau 10 ngày xử lý, bộ rễ cây quất đã được phát động, các rễ mới được hình thành. Dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm như những cây quất giống bình thường.

Quất thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp đối với đất trồng cây quất là 5-6.

Có thể tận dụng quất năm nay để trồng cho năm sau. (Ảnh: Facebook)

Hố trồng quất cần bón 1-2kg phân vi sinh hoặc 3-5kg phân chuồng hoai mục để bón lót. Khu vực trồng quất cần tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.

Khoảng 5-7 ngày, cần xới xáo quanh gốc (cách gốc 30cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng (mỗi gốc bón 0,5-1kg NPK (12:5:10) cách gốc 30cm cho quất nhanh phát triển cành lá. Ngoài ra, có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng hoai mục cho quất tốt và giảm sâu, bệnh hại.

Để phòng trừ sâu, bệnh hại, khi tưới cây hàng ngày, cần quan sát toàn bộ cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp xử lý.

Người trồng cũng có thể tạo thế mới hay duy trì thế sẵn có đã tạo từ năm trước. Khi cắt tỉa tạo thế chú ý phải dùng dao, kéo sắc chuyên dùng, tiến hành công việc vào những ngày nắng ráo. Việc tạo thế cần làm định kỳ 7-10 ngày/lần.

Bằng Lăng

Tin mới