Cùng thời gian này năm ngoái, sầu riêng miền Tây đã vào mùa, không xuất khẩu được vì dịch COVID-19 mới xuất hiện nên giá lao dốc xuống dưới 50.000 đồng/kg. Một thời gian dài sau đó, sầu riêng dội chợ, thường xuyên ở mức dưới 50.000 đồng/kg và khắp nơi tại TP.HCM đều thấy bán mặt hàng này.
Trong khi đó, từ sau Tết đến nay, thị trường lại rất khan hiếm sầu riêng. Ở TP.HCM hiện chỉ có vài điểm bán sầu riêng với giá 150.000 đồng/kg (nguyên trái) và gần 500.000 đồng/kg cơm sầu riêng nên người tiêu dùng chỉ dám mua "rón rén" vì khá tốn kém.
Bảng giá sầu riêng bán lẻ đầu mùa năm nay
Giữa lúc sầu riêng trong nước khan hiếm thì sầu riêng ngoại tách múi, cấp đông được bán khá nhiều. Sản phẩm này có hạn sử dụng lên đến 1 năm.
Tại cửa hàng U.S (đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) không bán sầu riêng trong nước mà chỉ bán sầu riêng Malaysia thương hiệu Musang King với giá 599.000 đồng/khay 400g cơm sầu riêng. Nhân viên cửa hàng này cho hay đây là dòng sản phẩm cao cấp, giá ổn định và "không bao giờ khuyến mãi."
Chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây cao cấp tại quận 5 (TP.HCM) cho hay ưu điểm lớn nhất của sầu riêng Malaysia là có màu vàng tươi đẹp mắt, mùi thơm dễ chịu nhưng độ ngọt và độ béo không bằng sầu riêng Việt Nam. "Tùy gu người tiêu dùng để đánh giá là loại nào ngon hơn nhưng nhìn chung hàng nhập khẩu chất lượng ổn định, giá cao hơn hàng nội địa 2-4 lần, tùy thời điểm nhưng sức mua khá tốt và ổn định", chủ cửa hàng này cho hay.
Cơm sầu riêng đông lạnh nhập khẩu có giá cao ngất ngưởng
Đại diện Công ty Ant Farm (TP.HCM), một doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng Malaysia, cũng xác nhận sức tiêu thụ mặt hàng này rất tốt khi sầu riêng trong nước khan hiếm, giá cao. "Tuy sầu riêng nhập khẩu là hàng đông lạnh còn trong nước là hàng tươi, không cạnh tranh trực tiếp nhưng ít nhiều cũng có ảnh hưởng.
Giá sầu riêng Malaysia nhập khẩu ổn định trong nhiều năm nay, các cửa hàng thường bán lẻ ở mức 500.000 – 600.000 đồng/khay 400g. Chất lượng sầu riêng Musang King thì nổi tiếng thế giới trước giờ, người tiêu dùng chỉ cần chú ý vấn đề về bảo quản và sử dụng, sau khi rã đông nên ăn ngay và không tái cấp đông", đại diện doanh nghiệp này lưu ý.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group (TP.HCM), sở dĩ giá sầu riêng tại Việt Nam trồi sụt với biên độ lớn là do bán chủ yếu ở dạng tươi và ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc.
"Sức hút của thị trường Trung Quốc quá lớn nên khi họ gom hàng, giá lập tức đẩy lên cao, ngược lại giá sẽ rất thấp. Như hiện nay giá sầu riêng tại vườn đã 100.000 đồng/kg, giá này các DN không thể thu mua để chế biến vì giá thành cao. Khoảng 1 tháng nữa, khi sầu riêng Tây Nguyên vào mùa giá mới giảm.
Trong thời gian tới, khi người tiêu dùng quen với sầu riêng đông lạnh Vina T&T Group có thể sẽ tham gia thị trường này vì công nghệ cấp đông sầu riêng khá đơn giản. Thường hàng đưa vào cấp đông ở thời điểm giá rẻ, hàng loại 2 (không đạt về kích cỡ, số múi khi bán tươi) nên giá bán không cao và có hàng quanh năm", ông Tùng chia sẻ.
"Mua chung" giá rẻ?
Giữa lúc các doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ sầu riêng Malaysia ổn định giá nhiều năm nay thì một nền tảng bán lẻ trái cây trực tuyến vừa gọi vốn thành công đã tung chương trình giảm giá "khủng". Theo đó, doanh nghiệp này niêm yết giá bán lẻ 589.000 đồng/khay 400g nhưng giảm giá 200.000 đồng/khay, còn 389.000 đồng/khay. Nếu khách mua combo 5 khay chỉ còn 339.000 đồng/khay và mua 10 khay được tính giá sỉ 329.000 đồng/khay.