Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sầu riêng bị bẻ cành chặt gốc, ép giá: Chuyện 'đến hẹn lại thế'

(VTC News) -

Giá sầu riêng tăng, sản lượng tiêu thụ mạnh giúp nhiều nhà vườn có cuộc sống khấm khá, nhưng cũng từ đó xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh.

Sầu riêng bị bẻ cành chặt gốc

Sầu riêng đầu vụ tăng giá khiến nhiều nông dân có cây được thu hoạch khấp khởi mừng, bởi trái "tỷ đô” đem lại cho họ ước mơ về một cuộc sống ấm no. Thế nhưng, sau đó, không chỉ gánh thiệt hại do thời tiết bất lợi, nhiều vườn sầu riêng còn bị kẻ gian phá hoại gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều hộ dân.

Tại xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) ngày 15/7, một hộ dân đã bị kẻ gian đẽo gốc 52 cây sầu riêng đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, kẻ gian còn cắt rụng nhiều trái sầu riêng trên cây.

Cũng trong ngày 15/7, anh Y Win Byă (29 tuổi, trú tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk)  tới cơ quan công an báo tin về việc kẻ gian phá hoại vườn sầu riêng của gia đình.

Anh Y Win cho hay, gia đình anh có 22 cây sầu riêng năm nay cho thu năm đầu, ước tính sẽ cho thu khoảng 1,8 tấn. Đến ngày 15/7, anh vào rẫy thì phát hiện, trái sầu bị tước ra khỏi thân cây, vứt la liệt dưới gốc, có cây bị bẻ cả cành.

Theo thống kê ban đầu, gia đình anh Y Win thiệt hại khoảng 5 - 6 tạ sầu riêng. Anh Y Win khẳng định, gia đình anh không mâu thuẫn với ai. 

Trước đó, ngày 21/5, vườn sầu riêng rộng 8 sào với hơn 100 cây đã cho thu hoạch năm thứ 2 của gia đình ông Lương Đức Dần (SN 1958, trú thôn 8, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị kẻ gian đột nhập, chặt phá 1.460 trái sầu riêng (trọng lượng từ 0,5 – 2 kg). 

Ông Đức cho biết, nhiều khả năng, vào đêm 20/5, kẻ xấu đã lợi dụng trời mưa, đột nhập vào vườn rồi dùng kéo cắt phá sầu riêng của gia đình ông. Sau khi cắt phá, kẻ gian còn gom trái sầu riêng lại thành đống nhỏ để trong gốc cà phê. Qua thống kê, có đến 54 cây sầu riêng trồng khoảng 4 - 6 năm bị cắt phá, ước tính gây thiệt hại cho gia đình ông Đức gần 500 triệu đồng. Chứng kiến những cây sầu riêng bị cắt trụi trái trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là cho thu hoạch, vợ ông Đức chết lặng, òa khóc nức nở.

Nhiều vườn sầu riêng bị kẻ gian chặt gốc, bứt trái trước vụ thu hoạch.

Cũng trong ngày 21/5, bà Phạm Thị Lợi (SN 1968, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đến vườn sầu riêng của gia đình tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) thì phát hiện nhiều quả sầu riêng non có dấu hiệu bị cháy xém, rụng hàng loạt. Toàn khu vườn bốc mùi thuốc diệt cỏ nồng nặc. Nghi ngờ vườn sầu riêng của gia đình bị kẻ xấu xịt thuốc diệt cỏ phá hoại, bà Lợi đến cơ quan công an trình báo.

Bà Lợi cho biết có 27 cây sầu riêng nghi bị phun thuốc diệt cỏ. Đáng nói, sau 2 ngày phát hiện vụ việc, nhiều cây sầu riêng đã bị rụng trái hàng loạt. Những trái sầu riêng còn lại trên cây cũng thối rữa, thâm đen. Ước tính gia đình bà thiệt hại hơn 300 triệu đồng, chưa kể thiệt hại về sự phát triển của cây sau này.

Bà Lợi cho biết thêm, vườn sầu riêng của gia đình bà được rào chắn kỹ càng. Gia đình bà cũng không có mâu thuẫn gì với hàng xóm xung quanh.

Trước sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng và các huyện trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, bảo vệ khu vực sản xuất sầu riêng của bà con nông dân.

Trung tá Lê Văn Thanh - Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, trong 2 năm 2023 và 2024, Công an huyện Krông Búk đã tiếp nhận, giải quyết 9 vụ việc có dấu hiệu của tội phạm liên quan đến sầu riêng. Qua đó, cơ quan chức năng đã điều tra xác minh làm rõ 8 vụ 11 đối tượng thực hiện, thu hồi nhiều tài sản liên quan.

Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hình sự, đặc biệt là các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật phát sinh, dễ xảy ra trong mùa sầu riêng trên địa bàn, Công an huyện Krông Búk đã triển khai nhiều văn bản, biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, cơ quan chức năng thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong mùa vụ sầu riêng để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

Đặc biệt, người dân cần chú trọng các biện pháp bảo vệ vườn, rẫy sầu riêng như làm hàng rào bao kín vườn, rẫy, lắp đặt hệ thống camera giám sát, có người trông coi… tránh sơ hở để các đối tượng lợi dụng đột nhập cắt trộm, phá hoại vườn sầu riêng hoặc lấy trộm các tài sản khác có giá trị.

Chuyện "đến hẹn lại thế"

Bà Nguyễn Thị Minh (41 tuổi, trú tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) cho biết, chuyện nhà vườn bị thương lái ép giá khi vào chính vụ không hề mới, mà là kịch bản thường niên.

Mùa vụ sầu riêng ở địa phương từ sau tháng 8 đến tháng 11, được coi là mùa vụ “nghịch trái” so với mùa vụ các nơi. Do đó, Đắk Lắk có thể bán sầu riêng đúng lúc các nguồn cung khác bị gián đoạn. Đây là một lợi thế riêng của địa phương.

Nếu thời tiết trong mùa “nghịch trái” nắng ráo thì nông dân thắng lớn. Còn nếu có mưa kéo dài, dẫn đến trái sầu riêng dễ bị “ngậm” nước, các thương lái sẵn sàng ép giá, có năm sầu riêng rụng chỉ còn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg trái tươi.

Năm nay, thời điểm đầu vụ, các thương lái đã vào chốt giá vườn sầu riêng của bố mẹ tôi với giá 90.000 đồng/kg, hợp đồng cắt 2 lần. Tuy nhiên, sau đợt mưa vừa qua, thương lái đã hạ giá vườn sầu riêng của bố mẹ tôi xuống còn 80.000 đồng/kg, cắt làm 3 lần.

Đến khi sầu riêng vào thời điểm thu hoạch nhưng thương lái vẫn neo vườn, chưa chịu cắt. Do đó, khi sầu riêng đến tuổi chín và rụng xuống thì buộc nhà vườn phải bán hàng chợ với giá thấp, chưa kể khi sầu riêng chín sẽ giảm trọng lượng trên mỗi quả”, bà Minh phàn nàn.

Mùa vụ sầu riêng ở Đắk Lắk diễn ra từ sau tháng 8 đến tháng 11, được coi là mùa vụ “nghịch trái” so với mùa vụ các nơi.

Cũng theo bà Minh, thời điểm sầu riêng bị “sập giá”, nhiều vườn sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên bị “neo vườn”. Thương lái tìm nhiều cách không cắt hàng, ép giá.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, gia đình chị có 270 cây sầu riêng trồng trên diện tích 1,8 ha. Trong đó, 170 cây đã cho thu hoạch chính vụ. Dự kiến, năm 2024, vườn sầu riêng của gia đình chị sẽ đạt sản lượng khoảng 10 tấn trái.

Cách đây khoảng 3 tuần, thương lái vào chốt giá vườn sầu riêng Dona của gia đình chị là 80.000 đồng/kg. Hai bên đã thỏa thuận, thống nhất mức giá này. Thế nhưng, sau đó giá sầu riêng các nơi đồng loạt giảm, lấy lý do đợt mưa lớn dài ngày gây ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng, múi sầu dễ sượng nước, hư hỏng nên thương lái thông báo chỉ mua sầu riêng của gia đình chị với giá 60.000 đồng/kg. Gia đình chị Hoa không đồng ý và hai bên vẫn chưa thương lượng lại được.

Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Dũng (huyện Krông Pắk) có 600 cây sầu riêng kinh doanh. Ông dự tính năm nay năng suất sẽ đạt khoảng 50 tấn, thu về hơn 4 tỷ đồng. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến đặt cọc với 85.000 đồng/kg.

Trong hợp đồng mua bán có thỏa thuận, thời gian cắt sầu riêng mỗi đợt cách nhau từ 8 - 10 ngày. Đến đợt cắt lần 2, ông Dũng nóng lòng gọi điện giục bên mua, nhưng đến nửa tháng sau ngày hẹn thương lái mới đến.

Hợp đồng mua bán cũng ghi rõ, trường hợp thời tiết mưa bão, bên mua chờ nắng ráo mới cắt hàng. Thế nhưng, ngày đầu tháng 8 vừa qua, địa bàn mưa kéo dài từ sáng sớm, nhưng bên mua vẫn đến vườn để cắt sầu riêng.

Theo ông Dũng, khi đến vườn, người mua cho rằng sầu riêng bị sượng nước và ép giá xuống còn 70.000/kg. Ông Dũng không đồng ý và yêu cầu kiểm tra chất lượng trái ngay tại vườn. Kết quả cho thấy, dù mưa nhiều nhưng sầu riêng bổ ra cơm vẫn vàng, múi săn chắc không có dấu hiệu bị sượng nước.

Tuy vậy, thương lái vẫn không chấp nhận giá cũ vì cho rằng chắc chắn việc mưa dài ngày không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái sầu riêng. Hai bên xảy ra tranh cãi, cuối cùng ông Dũng đã đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, hiện tại thời tiết đã diễn biến tích cực hơn. Các nhà vườn đỡ lo, hy vọng sẽ có nhiều nắng giúp sầu riêng hồi quả. Tuy nhiên, các thương lái vẫn thiếu tích cực, vấn nạn ép giá thu mua lại diễn ra. Nhiều vườn sầu riêng đã đến lúc chín, vẫn bị thương lái “treo”, không đưa người vào cắt và vẫn ghìm giá rất thấp.

Địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, song tình hình chung vẫn vướng mắc nhiều. Giải pháp chính của địa phương là kiểm soát các điểm thu mua, yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn kho hàng, xử nghiêm nạn dùng hóa chất với sầu riêng… để các thương lái có trách nhiệm hợp tác hơn.

Song về cơ bản, thương lái “thuận mua vừa bán” nên rất khó xử lý dứt điểm các vi phạm. Hơn nữa, bản thân nhiều cơ sở thu mua, các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu cũng thông qua thương lái tổ chức thu gom, gặp đúng tình cảnh sầu riêng “sượng nước” cũng không thể hỗ trợ nông dân được”, bà Trinh nói.

An Yên- Tuệ Nhi

Tin mới