Hôm 22/11, trả lời câu hỏi của phóng viên kênh TV2 về việc liệu Na Uy có nên đóng cửa trạm kiểm soát Storskog hay không, Thủ tướng Jonas Gahr Store khẳng định sẽ tiến hành đóng cửa nếu cần thiết.
Ông Jonas Gahr Store nói rằng Na Uy đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở cả Phần Lan và Estonia.
Na Uy xem xét đóng cửa biên giới với Nga. (Ảnh: AP)
Theo kênh truyền hình TV2, chưa có thông tin nào cho thấy số lượng người di chuyển qua trạm kiểm soát Storskog đã gia tăng.
Trước đó, Phần Lan đã quyết định đóng tất cả cửa khẩu trên biên giới với Nga, trừ cửa khẩu ở cực Bắc đất nước - trạm kiểm soát Raja-Jooseppi.
Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo hôm 2/11 cho biết: "Chính phủ Phần Lan hôm nay quyết định đóng thêm nhiều cửa khẩu". Ông nhấn mạnh, quyết định này sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 24/11 (giờ địa phương).
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen cho hay, quyết định đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Nga có hiệu lực đến ngày 18/2/2024.
Theo Thủ tướng Petteri Orpo, chính quyền đang phản ứng trước làn sóng "công dân nước thứ ba" đến biên giới phía đông Phần Lan, con số này gần đây đã gia tăng.
Phần Lan cho biết, kể từ đầu tháng 11, hơn 600 người không có giấy tờ thông hành hợp lệ đến Liên minh châu Âu (EU) đã tiến vào Phần Lan qua Nga và điều này khiến họ phải đóng cửa một số cửa khẩu. Theo cơ quan di trú Phần Lan, những người xin tị nạn đến từ nhiều quốc gia bao gồm Yemen, Afghanistan, Kenya, Morocco, Pakistan, Somalia và Syria.
Trong khi đó, cơ quan Biên phòng và Biên giới EU (Frontex) dự kiến tuần tới sẽ khai lực lượng và thiết bị tới Phần Lan theo yêu cầu hỗ trợ từ Helsinki.
Phản ứng trước quyết định đóng cửa biên giới của Phần Lan, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva sẵn sàng đối thoại với Helsinki về tình hình biên giới.
Còn điện Kremlin bày tỏ thất vọng với quyết định đóng cửa biên giới của Phần Lan. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt, lâu dài với Phần Lan... Chúng tôi lấy làm tiếc những mối quan hệ này đã được thay thế bằng quan điểm hoàn toàn bài Nga”.
Ông Dmitry Peskov cho rằng Nga khó có thể thay đổi tình hình hiện nay. "Không có cuộc đối thoại nào như vậy, không phải do lỗi của chúng tôi. Trên thực tế, Nga không phải là nước khởi xướng việc cắt giảm đối thoại”, ông Peskov nhấn mạnh