Những ngày gần đây, cửa hàng cơm của anh Đinh Trọng Ninh tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn trong tình trạng đóng cửa vì khách hàng chủ yếu là sinh viên, nhưng đối tượng này lại đang trong kỳ nghỉ kéo dài do dịch corona. "Như mọi năm, mùng 7-10 Tết âm là cửa hàng tôi đã đi vào hoạt động trở lại. Nhưng năm nay thì chưa biết bao giờ mới mở lại được. Tuần trước, tôi vẫn thử cho mở quán nhưng chỉ được vài ba khách vãng lai nên đành lại nghỉ bán", anh Ninh chia sẻ.
Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, tạm thời nghỉ bán do quá vắng khách. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Cũng theo anh Ninh, do chi phí thuê địa điểm mỗi tháng là 15 triệu đồng, cộng thêm tiền nhân công, điện nước mỗi ngày anh phải chi khoảng 800.000 đồng để duy trì quán. Tuy nhiên do phải ngừng hoạt động lâu ngày nên thời điểm này thua lỗ khá nhiều. "Nếu cứ tiếp tục như vậy không biết tôi còn cầm cự được đến tháng thứ 3 hay không", anh nói.
Không chỉ riêng quán cơm của anh Ninh lâm vào tình cảnh như vậy mà nhiều cửa hàng khác cũng đang hoạt động cầm chừng vì lượng khách giảm quá mạnh.
Một quản lý cửa hàng bia lớn trên phố Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, tuy lượng khách đến quán trước Tết đã giảm khoảng hơn 50% do ảnh hưởng của Nghị định 100 nhưng đến sát Tết thì tình hình kinh doanh có khả quan hơn một chút vì hội họp tất niên nhiều. Nhưng chưa kịp mừng thì lại bị đại dịch corona giáng thêm đòn "chí tử".
Nhiều nơi dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chứng vì không có khách. (Ảnh: Ngọc Khánh).
"Ra Tết đúng là thảm cảnh. Khách đã ngại Nghị định 100 nay còn ngại luôn cả dịch corona nên rất hạn chế đến nơi đông người. Hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng điêu đứng vì vắng khách. Đội ngũ nhân viên hơn 10 người, cộng với tiền thuê mặt bằng mỗi ngày khiến quán của tôi thua lỗ cả chục triệu đồng, chưa biết tính cách nào để bù đắp. Ban giám đốc công ty đang cân nhắc việc tạm thời đóng cửa, cho nhân viên nghỉ để hạn chế thiệt hại, đợi dịch qua đi rồi hoạt động trở lại", vị này tiết lộ.
Dù vẫn hoạt động nhưng lượng khách chỉ bằng 20% so với thời điểm trước Tết, anh Bá Tuấn, chủ một cửa hàng lẩu tại khu vực Ba Đình nhận định: "Dù trước đó cửa hàng của tôi cũng bị ảnh hưởng do Nghị định 100 nhưng đa phần đối tượng mà chúng tôi nhắm đến là sinh viên nên lượng khách này không bị quá nhiều tác động do họ sử dụng rất hạn chế bia rượu trong các cuộc hội họp. Nhưng đến dịch corona thì đúng là chúng tôi sa sút trầm trọng vì đợt nghỉ này kéo dài, sinh viên cũng tạm thời chưa lên Hà Nội nên hầu như cả ngày nhân viên chỉ ngồi chơi vì không có khách để phục vụ".
Nhiều cửa hàng bị ảnh hưởng lớn vì dịch corona. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Tuy nhiên anh Tuấn kỳ vọng ảnh hưởng này sẽ không kéo dài vì thời gian nghỉ học của sinh viên cũng sắp kết thúc, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh nên corona có thể sớm được kiểm soát. "Đây cũng là một phép thử về khả năng duy trì, xoay sở tài chính trong những điểm trũng cho nhà hàng chúng tôi", anh Tuấn nói.
Nhiều chủ hàng quyết định kéo dài thời gian nghỉ lễ vì ảnh hưởng của dịch corona. (Ảnh: Ngọc Khánh).
Không chỉ những hàng quán nhậu bị ảnh hưởng từ đợt dịch này mà nhiều quán cà phê cũng trong tình trạng ế ẩm không kém. Thậm chí một số cửa hàng thuộc chuỗi cà phê có tiếng như Aha hay Kafa, Gemini những ngày gần đây lượng khách cũng giảm đi trông thấy.
Tình trạng vắng vẻ còn xuất hiện ở các hệ thống cà phê có tiếng. (Ảnh: Ngọc Khánh).
Mặc dù thiệt hại về kinh tế là có, nhiều cửa hàng tiết lộ đã tính đến việc sang nhượng cửa hàng nhưng đang trong tình cảnh như vậy việc sang nhượng là rất khó và không được giá. Vì thế, đa phần đều đợi hết thời gian thuê mặt bằng sẽ tính tiếp, một số đã tạm đóng cửa để giảm thiểu thiệt hại.