Ngày 12/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục tiểu học, đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, đây là năm đặc biệt với ngành giáo dục, lần đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1. Đồng thời, năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh trở lại trường sau ngày khai giảng 5/9, học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.
Học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo
Năm học qua, 14.786 trường tiểu học trên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98, trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%, phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%.
Dù số học sinh tăng nhưng các địa phương vẫn đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy với sĩ số trung bình không quá 35 học sinh/lớp. Riêng một số địa phương Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao hơn mức quy định.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục và các địa phương chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Tăng cường tuyển mới giáo viên các môn học tiếng Anh, Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới. 100% giáo viên dạy lớp 1 hoàn thành bồi dưỡng một số nội dung trước năm học mới và tiếp tục triển khai trong năm, để dạy học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Nhìn chung, trong năm học qua, các giáo viên dạy lớp 1 bước đầu áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giáo viên lớp trên cũng sôi nổi dạy học theo các phương pháp tích cực.
Sau 1 năm học triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 1, học sinh lớp 1 đạt được một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh các năm trước đó. Theo đó, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản. Các em đều đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Học sinh lớp 1 hăng hái phát biểu bài.
Để đạt được kết quả trên, các trường luôn chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên.
Đồng thời, các trường cũng xây dụng kế hoạch dạy học môn học lớp 1 phù hợp với điều kiện địa phương và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Thiếu giáo viên chương trình mới
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, dù đạt nhiều kết quả tích cực, song năm học vừa qua cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Trong đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đồng đều, đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số địa phương dù rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.
Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và nhu cầu phục vụ học tập khác. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số nơi còn cơ học ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Số lượng các trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớn, rộng khắp cả nước dẫn đến tình trạng cùng một chủ trương nhưng nơi thực hiện thuận lợi, nơi lại khó khăn.