Một loạt các hãng truyền thông quốc tế như BBC, CNN, Fox News, AP… cho biết ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020. Ông Biden hiện đã có 284 phiếu (theo Bloomberg), qua đó vượt mức 270 phiếu cần thiết để trở thành Tổng thống Mỹ.
Sau khi đắc cử, câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là liệu ông Biden sẽ đến thăm nước nào đầu tiên? Việc Tổng thống Mỹ lựa chọn quốc gia nào là điểm đến trong chuyến công du lần đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với nước đó và khu vực, phần nào đó sẽ định hình tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ mới.
Việc ông Biden sẽ thăm nước nào đầu tiên sau khi đắc cử nhận được sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: AP)
Trả lời VTC News, TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, nhận định, sau khi lên cầm quyền, các đời Tổng thống Mỹ đều coi trọng đối tác chiến lược, đặc biệt là các quan hệ đồng minh. Điều đó luôn tạo ra sự tin tưởng, niềm tin đối với các đồng minh và đối tác chiến lược.
“Trước đây, sau khi lên cầm quyền, ông Obama đã có chuyến công du khoảng 7 đến 10 ngày đến các nước Đông Nam Á. Khả năng sau khi làm chủ Nhà Trắng, ông Biden cũng có thể đi Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Nêu đến Đông Nam Á, có thể ông Biden sẽ đến Indonesia. Indonesia từ lâu là một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị được coi trọng trong khu vực, là quốc gia theo Hồi giáo và cũng là nơi Mỹ thực hiện hỗ trợ chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Cho nên, Indonesia là một lựa chọn mà ông Biden có thể cân nhắc trong kế hoạch công du”, chuyên gia Phạm Cao Cường cho hay.
Ông Cường cũng bình luận, trong bối cảnh hiện nay, cũng không ngoại trừ khả năng ông Joe Biden sẽ đến châu Âu bởi khu vực này vẫn là địa bàn chiến lược đối với Mỹ. Phần lớn các chiến lược kinh doanh hay hoạt động về mặt quân sự trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều quan trọng đối với Mỹ.
“Thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu có một số vấn đề. Đặc biệt là các quốc gia như Pháp, Đức chỉ trích các chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, khi ông yêu cầu các nước đồng minh NATO tăng ngân sách quốc phòng lên 2%. Để tạo sự đồng thuận, Mỹ phải lấy lại niềm tin của các quốc gia, hàn gắn các rạn nứt trong quan hệ với các quốc gia châu Âu”, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ cho biết.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Barack Obama đã có chuyến công du đầu tiên đến Anh vào tháng 3/2009. Sau đó, trong chuyến công du châu Âu, ông tiếp tục đến thăm 4 nước gồm Pháp, Đức, Cộng hoà Czech và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực châu Âu, đặc biệt là đồng minh Anh trong chính sách đối ngoại của nước này.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai, ông Obama chọn châu Á là điểm đến đầu tiên sau khi tái đắc cử. Tháng 11/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên đường đi thăm ba nước Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Việc ông Obama lựa chọn 3 nước thuộc khu vực Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai được xem là nhằm nhấn mạnh sự chuyển hướng tập trung chiến lược của Mỹ vào châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, sau khi trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 năm, ông Trump đã lên đường đến Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên khi thăm Ả-rập Xê-út, Israel. Việc ông lựa chọn Trung Đông là điểm đến sau khi nhậm chức cho thấy sự quan tâm của ông Trump đối với khu vực này và trong nhiệm kỳ của mình, ông đã có nhiều chính sách, giành sự quan tâm đối với Trung Đông.