Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sau đại dịch COVID-19, bất động sản có suy thoái?

(VTC News) -

Thị trường bất động sản quý II/2021 sụt giảm mạnh trong bối cảnh COVID-19 tái bùng phát, khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn như năm 2010.

Nhận định về kịch bản phát triển của thị trường bất động sản trong nước, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng nguy cơ suy thoái như cách đây 10 năm là khó xảy ra. Vào những năm 2010, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng như "bong bóng" BĐS có dấu hiệu từ trước, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cao kỷ lục... Những điều này tác động trực tiếp đến thị trường thời điểm đó.

Còn với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, BĐS vẫn đang đươc coi là một kênh đầu tư tốt, có thể bảo toàn vốn lâu dài và an toàn.

Bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư tốt trong đại dịch. (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, chuyên gia BĐS khẳng định, có nhiều lý do để dự đoán rằng thị trường BĐS sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng như những năm 2010.

Lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, lạm phát cũng được được kiểm soát tốt. Theo ông Tuyển, khi mà các doanh nghiệp đang cần "hồi sức" sau nhiều đợt dịch liên tiếp thì lãi suất trong vài năm tới sẽ khó tăng. Điều này tác động rất tích cực đến bất động sản.

Ngoài ra, dòng tiền tiếp tục đổ vào các kênh đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí tiền ảo. Tuy nhiên, mọi dòng tiền có chạy đi đâu thì cuối cùng cũng chốt lời vào BĐS.

Trong khi đó, nguồn cung hiếm là chốt chặn cho thị trường phát triển vào thời điểm này. Bằng chứng là giá đất nền trung tâm các tỉnh vẫn đang tăng, giá chung cư ở TP.HCM và Hà Nội tăng khoảng 8-15% trong năm qua.

Cũng theo ông Tuyển, khó khăn trong kinh doanh ở một số ngành trong đại dịch vô hình chung lại là thuận lợi cho BĐS. Bởi khi lãi suất tiền gửi thấp mà không kinh doanh trong ngành của mình được, nhiều người có vốn có thể muốn đầu tư sang kênh khác có lợi hơn, trong đó có BĐS.

Cuối cùng, công nghệ giúp việc kinh doanh BĐS không quá khó khăn giữa tình hình dịch bệnh phức tạp. Bằng chứng là khi Hà Nội và TP. HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, việc gặp gỡ khách hàng bị hạn chế nhưng một số sale vẫn bán được hàng.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm theo. 

Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận thực tế rằng BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá do đất nền trải qua nhiều “cơn sốt” khiến mặt bằng giá tăng cao; vướng mắc về thủ tục phê duyệt dự án, giá các loại vật liệu xây dựng tăng dẫn đến tăng chi phí, kéo theo giá thành BĐS cũng sẽ tăng.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù thị trường BĐS đã trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với đầy rẫy khó khăn nhưng đây là tình hình chung của cả nền kinh tế, chứ không riêng về lĩnh vực BĐS. 

Trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, có thể thị trường BĐS vẫn chưa vượt qua ngay được những khó khăn này, do phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nhưng vẫn còn những cơ hội, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, đây được xem là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường thu hút nguồn vốn đầu tư.

Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đã có sự chủ động, thích ứng với tình hình dịch bệnh để đưa ra những tính toán cẩn trọng hơn trong đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (hiện nay dân số thành thị mới chiếm khoảng 40%, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 45%), nhu cầu về nhà sẽ rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường BĐS trong giai đoạn hậu COVID-19”, ông Chiến nêu quan điểm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng nhận định, với kinh nghiệm, năng lực quản lý nhà nước càng ngày càng hiệu quả hơn trước đây của Chính phủ và các bộ ngành, nhìn toàn cục thị trường BĐS bao gồm thị trường quyền sử dụng đất cho thấy chưa có nguy cơ xảy ra khủng hoảng "bong bóng" hay "đóng băng" hoặc suy thoái đúng nghĩa trong năm 2021.

Ngọc Vy

Tin mới