Cần khoan sâu vào quả đồi, tạo dòng chảy nước thoát ra
Ngày 7/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ, sạt lở.
Toàn cảnh cuộc họp.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, từ 28/7 đến 6/8, trên địa bàn liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa trong những ngày qua đo được tại một số trạm như Kiến Đức 406,4 mm, Quảng Thành 556,4 mm…
Mưa lớn kéo dài dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ chứa nước dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt trượt tại một số khu vực.
Tây Nguyên mỗi năm mất khoảng 5-7 nghìn ha rừng.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết qua kiểm tra công trình chứa nước Đắk N’ting thấy địa hình sạt trượt cao khoảng 30 m, nền đất đỏ bazan, chủ yếu sạt trượt phần trên mái đất, vị trí nứt hình thành vòng cung.
Về giải pháp trước mắt, theo ông Lân cần sử dụng tấm HDPE để ngăn nước không cho ngấm xuống phía dưới. Cần phải khoan sâu vào quả đồi nhằm tạo dòng chảy nước thoát ra, để hạn chế lớp đất sạt trượt xuống dưới.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải.
PGS.TS Lê Văn Hùng (thành viên đoàn công tác) nhận định nguyên nhân chủ yếu do mưa nhiều và kéo dài khiến đất ngậm nước như viên sủi, trương nở gây ra sạt trượt, xuất hiện nhiều rãnh nứt ở Đắk Nông.
“Về sạt trượt trên mái dốc, nguyên nhân chủ yếu do mưa. Các số liệu thống kê cho thấy, lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400 mm, nhưng tháng 7 năm nay, lượng mưa đã hơn 700 mm. Mưa nhiều đã làm tăng mực nước ngầm và làm giảm chỉ tiêu cường độ của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái (thành viên đoàn công tác) đưa ra nhận định.
Cùng đi với đoàn công tác, PGS.TS Phạm Hữu Sy - thành viên cho hay thời gian tới, tỉnh Đắk Nông có thể liên hệ đoàn chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ xử lý các vấn đề sụt lún, nứt gãy tại các công trình thủy lợi, đường giao thông.
Đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở Đắk Nông
Trước tình hình hình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mưa lớn, kéo dài, xảy ra nhiều vụ sạt lở, nứt đường, nguy cơ vỡ đập, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết Tây Nguyên mỗi năm mất khoảng 5-7 nghìn héc-ta rừng, còn việc người dân xâm thực chưa tính. Bộ NN&PTNT rất lo lắng việc mất rừng, thay đổi dòng chảy tự nhiên.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Đắk Nông cần thực hiện ngay việc đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.
Ông Hiệp cũng cho rằng thời gian tới, Đắk Nông và các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện chi tiết bản đồ sạt lở trên toàn quốc, trong đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc hiện đại để có dự báo chính xác. Cạnh đó, địa phương cần đánh giá toàn diện các công trình sạt lở, sạt trượt để có những cảnh báo cho người dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp.
“Đối với các công trình xảy ra sự cố, chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để “cứu” công trình này trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa vào cuối tháng 8. Tôi đề nghị tỉnh Đắk Nông cần công bố ngay tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng xử khẩn cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết qua kiểm tra, xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở tại các công trình giao thông, công trình thủy lợi, trường học chủ yếu 5 huyện, thành phố khu vực phía nam của tỉnh như Đắk R’lấp, Tuy Đức, TP Gia Nghĩa, Đắk Song và Đắk G’long. Ngay sau khi xảy ra sự cố tại các khu vực trên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có mặt kiểm tra, yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương di dời người dân đến khu vực an toàn.