Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sắp ra mắt 'siêu ủy ban' quản lý vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty

Ngày 27/9, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức tổ chức lễ ra mắt tại Hà Nội.

Ngày 13/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 66/QĐ-TTg lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

 SCIC cũng sẽ về "siêu ủy ban". (Ảnh: Lao động).

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ Phó là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời sẽ quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước.

Đánh giá về việc ra đời "siêu ủy ban" này, tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, bày tỏ vui mừng trước sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cho rằng ủy ban này phải tập trung quản lý được vốn, không vừa đá bóng vừa thổi còi như một số bộ, ngành trước đây.

"Lâu nay chúng ta thường “kêu ca” các bộ ngành vừa ban hành chính sách đồng thời làm nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp. Mục đích quan trọng tiếp theo là làm thế nào sử dụng, quản lý nguồn vốn của Nhà nước một cách hiệu quả", ông Hồ cho biết.

Video: Chỉ mặt những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ

Ông Hồ nhấn mạnh cần phải tăng tính chủ động của Ủy ban bởi nếu không tạo cơ chế để Ủy ban hoạt động chủ động, chịu trách nhiệm sẽ rất khó. Chủ động thể hiện ở việc ra quyết định phù hợp hay trong xử lý vấn đề nhanh gọn.

Về lo ngại Ủy ban khó quản nổi 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn cùng lúc chuyển giao về, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, cần làm mới biết có thành công chứ ngồi bàn sẽ khó.

"Ở một số nước như Trung Quốc, Singapore đã làm rất tốt. Ở Indonesia đã lập ra một Bộ thống nhất quản lý và thay 3 lần Bộ trưởng mới điều hành hiệu quả do đó không nên ngại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các bộ cần có tư duy đổi mới, khi đã giao cho Ủy ban thực hiện thì cần hỗ trợ Ủy ban hoạt động hiệu quả", ông Hồ nói thêm.

7 tập đoàn và 12 tổng công ty dự kiến chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban:

1 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

2 - Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN)

3 - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

4 - Tập đoàn Cao-su Việt Nam (VRG)

5 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)

6 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

7 - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

8 - Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

9 - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

10 - Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone)

11 - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

12 - Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR)

13 - Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

14 - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)

15 - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

16 - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1)

17 - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)

18 - Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2)

19 - Tổng công ty Cà-phê Việt Nam (Vinacafe)

Ngọc Vy

Tin mới