Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sáp nhập xã, huyện: Sắp xếp cán bộ dôi dư thế nào?

Nhiều địa phương cho hay cán bộ cấp xã hầu hết đều trẻ, có trình độ, năng lực nên sẽ khó khăn trong việc sắp xếp theo số lượng quy định khi sáp nhập.

Sáng 24/1, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất liên quan đến việc bố trí cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Liên quan đến nội dung này, dự thảo nghị quyết quy định chậm nhất 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.

Toàn cán bộ trẻ, có trình độ: Sắp xếp thế nào?

Là người phát biểu đầu tiên, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương này có số đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp rất lớn với 66 xã không đạt các tiêu chí về diện tích, dân số, chiếm khoảng 10% tổng số đơn vị của cả nước.

Dẫn lại quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Thường trực HĐND cấp xã có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND, UBND có không quá 5 thành viên), vị này cho rằng khi sắp xếp số lượng lãnh đạo HĐND và UBND cấp xã của đơn vị hành chính mới (nhất là cấp phó), nếu bố trí tăng thì trái luật, không bố trí tăng thì rất khó giải quyết.

Đồng tình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Nguyễn Huy Độ băn khoăn: 3 xã nhập vào một, có 3 bí thư xã, 3 chủ tịch, bình quân mỗi xã có 21 cán bộ, nhân ba lên thì giải quyết thế nào là cả một vấn đề, chưa kể tới số cán bộ không chuyên trách.

Ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, cũng lo ngại việc quy định sau năm năm phải sắp xếp lại biên chế và chức danh theo đúng quy định sẽ gây khó khăn cho địa phương. “Số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp rất lớn” - ông Định nói và cho biết Cao Bằng sau sắp xếp giảm 41 đơn vị cấp xã, dôi dư khoảng 840 người. Trong số này, dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi có 163 người.

“Cao Bằng được Chính phủ hỗ trợ chuẩn hóa cán bộ cấp xã nên hầu hết cán bộ cấp xã đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và toàn cán bộ trẻ” - ông Định nêu thực tế tại địa phương. Lạng Sơn, tình trạng cán bộ trẻ cũng tương tự, vì thế “khi sáp nhập, quyết định chọn ai là rất khó khăn” - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy cho hay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đang phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ĐỨC MINH)

Ưu tiên tuyển cán bộ xã đủ tiêu chuẩn vào các cơ quan cấp huyện

Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay cán bộ cấp xã gồm hai nhóm: cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và các thôn, tổ dân phố.

Theo ông Tuấn, thời gian tới khi thực hiện việc liên thông sẽ không phân biệt công chức xã và công chức huyện trở lên, các địa phương có thể áp dụng chính sách tiếp nhận, điều động công tác.

Về số lượng lãnh đạo cấp xã, ông Tuấn nói: “Tôi nghĩ một xã có một chủ tịch UBND và ba phó, khi nhập lại cũng chỉ nên thế thôi. Còn những trường hợp có năng lực, sức khỏe, có đủ phẩm chất, đủ tiêu chuẩn thì tạo điều kiện, ưu tiên cho họ chuyển đến những cơ quan nhà nước ở trong tỉnh từ cấp huyện trở lên mà còn thiếu biên chế”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, với đội ngũ không chuyên trách, số lượng, chức danh, mức bồi dưỡng do HĐND quyết nên dễ giải quyết: Sắp xếp lại, không làm nữa thì thôi không hưởng chế độ.

“Đã nói sắp xếp để bảo đảm gọn nhẹ thì đi đôi với đó phải giảm được tổ chức bộ máy, giảm được biên chế. Nếu cứ nhập cơ học 2-3 xã vào, cán bộ biên chế vẫn thế thì thà rằng cứ để nguyên” - Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà nói và đề nghị khi xử lý vấn đề cán bộ cần “mạnh dạn, quyết liệt”. Bởi mục tiêu lớn nhất sau khi sắp xếp là phải giảm được biên chế nhưng nếu giảm ngay lại khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

“Các địa phương phải báo cáo về số lượng dôi dư trong đề án và trong những năm đó, Bộ Nội vụ không được cho tuyển thêm và sẽ điều chuyển ở những đơn vị hành chính cùng cấp” - ông Hà đề nghị và cho rằng thời hạn 5 năm là quá dài, nên rút xuống còn3 năm phải bảo đảm số lượng biên chế và lãnh đạo theo quy định.

Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng nhấn mạnh các địa phương cần bám sát Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Theo đó, chậm nhất năm năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.

Ông Tân cho rằng các địa phương có nhiều cách để làm, có thể sắp xếp từ công chức cấp xã lên huyện, để tiến đến năm 2021 liên thông cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh.

“Đây là đề án lớn ảnh hưởng tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, do đó cần có lộ trình, bước đi đảm bảo, cần sự thống nhất của các địa phương và các cơ quan trung ương” - Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đưa ra các nguyên tắc trong việc sắp xếp huyện, xã. Cụ thể: Phải đảm bảo lộ trình tổng thể chung trong từng giai đoạn; thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, dân chủ.

Ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề từng chia tách trước đây hoặc những nơi tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, phong tục tập quán.

Cũng theo dự thảo, những huyện, xã không bắt buộc phải sáp nhập là những nơi có yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí địa lý tự nhiên biệt lập như khu vực hải đảo, cù lao; có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới mà nếu sáp nhập sẽ gây xáo trộn, tạo bất ổn.

Những trường hợp này, tùy tình hình thực tế, UBND tỉnh trình Chính phủ xem xét thực hiện sắp xếp. 

Nguồn:

Tin mới