Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sáp nhập trường đại học, cao đẳng: Xu hướng hay giải pháp tình thế?

Theo các chuyên gia, sau khi đại học, cao đẳng địa phương được sáp nhập, sinh viên sẽ được thụ hưởng chất lượng đào tạo của các đại học lớn với chi phí thấp hơn.

Tình hình tuyển sinh của Đại học Quảng Nam vài năm qua không thực sự tốt. Năm 2019, trường chỉ tuyển được 215 sinh viên, trong khi chỉ tiêu là 1.700 cho cả bậc đại học và cao đẳng. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như ngân sách nhà nước bị cắt giảm, ảnh hưởng công việc và thu nhập của cán bộ, giảng viên.

Cao đẳng Sư phạm Gia Lai mỗi năm chỉ tuyển được trên dưới 100 sinh viên. Hiện nay, việc phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, cạnh tranh về nguồn tuyển ngày càng gay gắt.

Vì vậy, việc các cao đẳng địa phương khó khăn trong tuyển sinh chọn giải pháp trở thành phân hiệu, cơ sở của các đại học lớn là xu thế tất yếu để tồn tại và phát triển, nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục nhận định.

Theo họ, sau khi trường được sáp nhập, sinh viên sẽ được thụ hưởng chất lượng đào tạo của các đại học lớn với chi phí thấp hơn do tiết kiệm chi phí đi lại, đồng thời giúp giảm áp lực lên các thành phố đông dân.

Nữ sinh Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Như Ý)

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về đề án chuyển Đại học Quảng Nam trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng vào năm 2023. Đề án nhằm góp phần giúp Đại học Quảng Nam nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết, trường đã gửi công văn cho một địa phương về phương án liên kết với Đại học của tỉnh này, vận động thêm một đại học nữa để thành lập đại học.

Các đại học địa phương có thế mạnh về cơ sở vật chất, nhưng không nhiều người học. Trong khi đó, thí sinh dồn về các thành phố lớn tạo ra nhiều áp lực về giao thông và kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, địa phương trên không mặn mà với đề xuất của chúng tôi. Trường không tuyển sinh được sẽ trở thành gánh nặng, sẽ đến lúc UBND tỉnh không thể bao cấp mãi. Sở dĩ hiện nay UBND tỉnh không mặn mà vì vẫn muốn mỗi tỉnh phải có một đại học”, ông Dũng nói.

Xu hướng sáp nhập, thành lập phân hiệu

Không chỉ trong tầm ngắm của các tập đoàn giáo dục, nhiều đại học, cao đẳng ở các tỉnh thành đang rục rịch bước vào cuộc “hôn nhân” với các đại học đa ngành, đại học vùng. Đây được cho là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay khi tiềm lực kinh tế không thể dàn trải do hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chia cắt. Việc Cao đẳng Sư phạm Hà Nam sáp nhập với Đại học Sư phạm Hà Nội có thể coi là cuộc “hôn nhân” đầu tiên ở khu vực phía Bắc.

Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp nhận 100% đội ngũ của Cao đẳng Sư phạm Hà Nam. 

Tháng 4/2019, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai được sáp nhập vào phân hiệu Đại học Thái Nguyên. Tháng 12 cùng năm, Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long trên cơ sở Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long. Đây thực chất là hình thức sáp nhập Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long vào Đại học Kinh tế TP.HCM. Trước đó, Cao đẳng Tài chính Hải quan được sáp nhập vào Đại học Tài chính - Marketing.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, hình thức sáp nhập, thành lập phân hiệu sẽ bùng nổ với hàng loạt đề án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Mới đây, Đại học Nông lâm TP.HCM và UBND tỉnh Ninh Thuận họp bàn về việc sáp nhập Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Đại học Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận.

Trong khi đó, Đại học Cần Thơ đã có đề án chuyển đổi Cao đẳng Sư phạm Long An thành Đại học Cần Thơ cơ sở Long An. Một số Cao đẳng khác cũng được đề xuất sáp nhập vào các Đại học. Trong đó, Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị sáp nhập với Phân hiệu Quảng Trị của Đại học Huế để trở thành Đại học Sư phạm - Kỹ thuật Quảng Trị trực thuộc Đại học Huế…

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, nói: “Đại học Sư phạm Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam đã phải mất gần 3 năm đi lại để hoàn thành việc sáp nhập. Trong đó, vấn đề nhân sự phải qua Bộ Nội vụ; cơ sở vật chất phải qua Bộ Xây dựng, Cục Công sản của UBND tỉnh. Đây là hai khâu quan trọng và tốn thời gian”. Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp nhận 100% đội ngũ của Cao đẳng Sư phạm Hà Nam. 

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới