Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sáp nhập phường ở Đà Nẵng: Nhiều cán bộ dôi dư chưa bố trí, sắp xếp được

(VTC News) -

Đà Nẵng sẽ sáp nhập phường từ ngày 1/1/2025 nhưng hiện còn nhiều cán bộ dôi dư chưa sắp xếp, bố trí được.

Chiều 2/12, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 1251/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận thuộc diện có sáp nhập phường bày tỏ nhiều băn khoăn khi thời gian từ nay đến ngày 1/1/2025 (Nghị quyết 1251/2024 có hiệu lực) đã cận kề nhưng còn nhiều cán bộ dôi dư chưa thể sắp xếp, bố trí được.

Cụ thể như quận Thanh Khê, số lượng cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp là 40. Trong số này, có 11 người giải quyết nghỉ theo chế độ, 19 người điều chuyển, còn 10 người chưa giải quyết, sắp xếp được.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì hội nghị.

Đối với quận Hải Châu, sau khi sáp nhập cũng dôi dư nhiều cán bộ, trong đó riêng danh sách tinh giản biên chế của quận có 22 trường hợp.

Còn quận Liên Chiểu, một phần phường Hòa Minh sẽ nhập về phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thì ngoài số cán bộ dôi dư sẽ có khó khăn hơn vì trên diện tích đất nhập về quận Thanh Khê có đến 3 trường học với rất nhiều học sinh nên lúng túng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND quận nêu rõ tinh thần chung khi sáp nhập phường là phải tạo tâm lý thoải mái, ổn định cho cán bộ và người dân. Tất cả quyền lợi của người dân phải được đảm bảo, không gây bất cứ phiền hà nào cho dân.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, phường lập ngay các tổ công tác rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân khi sáp nhập phường để xử lý, hỗ trợ người dân tối đa, không để phải đi qua đi lại để giải quyết thủ tục hành chính. Sau sáp nhập phường phải rà soát, chăm lo Tết Nguyên đán ngay cho các hộ nghèo, hộ chính sách, không để hộ nào khó khăn trong Tết.

Về cơ sở vật chất, các quận chủ động tính toán và báo cáo trên tinh thần là gộp lại, không để manh mún. Riêng với trường học thì thực hiện chuyển giao về mặt hành chính trước ngày 1/1/2025 nhưng số học sinh giữ ổn định, các năm sau vẫn tuyển sinh như phương án trước đây.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao các quận báo cáo về Sở Nội vụ tổng hợp công tác triển khai, nêu ra các vướng mắc để tập trung xử lý đến ngày 31/12.

Với chủ trương sắp xếp ngành, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu ngay phương án bỏ Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội thuộc quận. Các phòng, ban khác thực hiện sắp xếp theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Đồng thời, Đà Nẵng có 32 hội, đoàn thể nên phải xem xét, những hội, đoàn thể cùng tính chất thì gom vào một mối.

Sau sáp nhập, một phần phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) sẽ nhập về phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê).

Khó khăn hiện nay là Đà Nẵng có Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển thuộc Sở Du lịch nên phải xem xét sắp tới nên tiếp tục duy trì hay giải thể, chuyển chức năng về cho quận. Còn Ban An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội cho thí điểm thành lập sở nhưng theo chủ trương mới của Trung ương thì hiện thành phố chưa quyết định đưa về sở nào.

Ngoài ra, hiện đang tồn tại 6 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP Đà Nẵng thì dự kiến sẽ chỉ còn lại 3 Ban.

Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, Đà Nẵng dự kiến sắp xếp 17 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm 9 đơn vị. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư so với quy định là 103 người, số người hoạt động không chuyên trách dôi dư 34 người.

Tại Kỳ họp thứ 19, Khóa X ngày 30/7, HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính với tổng số hơn 25 tỷ đồng.

Châu Thư

Tin mới