Tại sao phải ám ảnh về ma quỷ?
Việt Nam một năm có khoảng 8000 lễ hội, trung bình mỗi ngày trải dài từ Bắc vào Nam có hơn 20 lễ hội, mỗi lễ hội đều thể hiện đậm nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Đặc điểm chung của các lễ hội ở Việt Nam là đề cao tính nhân văn, hướng thiện, khơi dậy lòng trắc ẩn, hướng tới cuộc sống đẹp đẽ, vì con người hơn.
Nhiều lễ hội dù tồn tại lâu đời, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhưng hình thức còn nặng tính hủ tục, dã man, trải qua sự biến đổi của thời gian, không gian, đặc biệt là thay đổi tư duy theo hướng văn minh, hiện đại, mà chấp nhận có những sai khác để phù hợp.
Nhưng đi ngược với tính thiện ấy, là một lễ hội vay mượn từ phương tây, với những biến tướng thiếu hiểu biết, mất đi tính chất vốn có. Halloween – lễ hội ma quỷ, được du nhập để nhồi nhét vào đầu tất cả những người tham gia ám ảnh về linh hồn người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn, nước uống sau khi kết thúc một kiếp người.
Sao lại cổ suý thứ Halloween lai căng máu me chết chóc? (Ảnh: VnExpress)
Có lẽ chưa năm nào mà các hoạt động cho dịp Halloween lại rầm rộ và được “chính thống hóa” như năm nay. Không chỉ trong giới trẻ, Halloween phổ biến tới mức nhiều trường mầm non, cấp 1 đã đưa vào như một hoạt động ngoại khóa vui chơi được duy trì hàng năm.
Sao phải ám ảnh về cái chết đội mồ sống dậy, trong khi lẽ ra phải có cái nhìn lạc quan và tươi sáng nhất về cuộc đời?
Những cái tên gợi sự liên tưởng chết chóc như Quỷ dữ đội mồ; Oan hồn sống lại; Xác sống báo thù…được quảng cáo ở khắp mọi nơi. Những món đồ phục vụ cho việc hóa trang thành những xác chết, linh hồn bày la liệt trên phố. Tràn ngập facebook là hình ảnh người trẻ, các ông bố bà mẹ hóa trang cho con thành những nhân vật rùng rợn, ma quái. Cảm giác vào những ngày này, không còn gặp con người thực, tồn tại thực, đâu đâu cũng là địa ngục.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phải ám ảnh về cái chết đội mồ sống dậy đến thế, trong khi những đối tượng tham gia lễ hội này, lẽ ra phải có cái nhìn lạc quan và tươi sáng nhất về cuộc đời?
Lai căng
Việt Nam trải qua một chiều dài lịch sử đầy đau thương, với những cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước dai dẳng từ đời này sang đời khác. Trong ký ức của tất cả những người bước ra từ bom đạn, những người chịu hậu quả nặng nề, những người là di chứng của khói lửa, hình ảnh của những nhân vật hóa trang trong lễ hội Halloween kia, có lẽ không phải quá khó để hình dung.
Nhiều người thậm chí còn cảm thấy thương tổn, khi vết sẹo về sự ám ảnh những cái chết đau đớn, thảm khốc trở lại trong hình ảnh kì quái, chết chóc biến tướng.
Khán giả từng chỉ trích dữ dội khi thấy nghệ sĩ hóa trang dịp lễ hội ma quỷ thành những nhân vật như bộ đội, anh hùng trong lịch sử
Việt Nam; có ca sĩ còn bị Cục Nghệ thuật biểu diễn phạt vì hóa trang thành “bác sĩ Cát Tường”, khơi dậy nỗi đau của gia đình bệnh nhân…Vậy đó là lễ hội gì? Hay là dịp phô bày sự thiếu hiểu biết, thiếu nhân văn, biến tướng lễ hội một cách đáng lên án?
Có những cô bé, cậu bé đã khóc thét khi nhìn thấy bạn bè được bố mẹ hóa trang cho thành những nhân vật quá kinh dị, thậm chí có những bé nhạy cảm, còn sốc tâm lý tới trầm cảm, khi nghĩ những người xung quanh chính là hồn ma, mấy ngày sau vẫn giật mình trong giấc ngủ và không dám tới trường? Đó là lễ hội gì? Nuôi dưỡng điều gì trong tâm hồn con trẻ?
Rõ ràng, việc du nhập lễ hội – mà không truyền tải đầy đủ ý nghĩa và hình thức thể hiện đã biến Halloween thành một thứ lai căng không hơn không kém.
Không khơi dậy tính thiện, biến tướng ý nghĩa thực, nhồi nhét vào đầu óc những ám ảnh kinh hoàng về cái chết, quỷ quái, dị hợm…thì lễ hội đó, cần tồn tại làm gì?
Video: Những trò dọa ma kinh dị khiến nạn nhân khóc thét