Sáng nay (10/12), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội) cùng 2 đồng phạm là Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Nam Hà. Có 11 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo, trong đó riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung có 5 luật sư bào chữa, bị cáo Hùng và Giang mỗi người có 3 luật sư bào chữa.
Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX sẽ triệu tập đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (viết tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án mua bán chế phẩm Redoxy-3C.
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập một số cán bộ của Công ty Thoát nước Hà Nội với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đồng thời, tòa triệu tập thêm một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác, trong đó có đại diện UBND TP Hà Nội, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Arktic, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung).
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp.
Khi đó, bị can Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND TP Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại TP Hà Nội.
Bị can Chung mong muốn chất Redoxy-3C ra đời phải là sản phẩm độc quyền của thành phố Hà Nội. Watch Water sau đó đồng ý và bán cho thành phố với giá "ưu đãi" 8,5 Euro/kg.
Tháng 8/2016, chủ trì cuộc họp về xử lý ô nhiễm nước hồ, ông Chung giao Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Thế Hùng chỉ đạo các quận, huyện dừng xử lý nước ô nhiễm theo công nghệ cũ. Trong khi đó chế phẩm Redoxy-3C lúc này chưa thử nghiệm và chưa được cơ quan có thẩm quyền đánh giá về tính hiệu quả.
Sau đó, bị can Chung lại chỉ đạo bằng miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản.
"Ông Chung ban hành thông báo đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ Đức nhưng lại chỉ đạo ông Hùng không mua trực tiếp để hưởng giá ưu đãi mà mua thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic", cáo trạng nêu.
Công ty Arktic được bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Chung) thành lập từ cuối năm 2015, góp đủ 5 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đứng tên con trai mình là Nguyễn Đức Hạnh và một người khác.
Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của con trai là Nguyễn Đức Hạnh. Trên thực tế, Hạnh không nộp tiền vốn điều lệ, không tham gia quản lý, điều hành công ty.
Trong tháng 6 và 7/2016, bà Hoa 2 lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (tổng cộng Giang đứng tên sở hữu 60%) và một người khác (đứng tên sở hữu 40% - đứng tên hộ gia đình ông Chung).
VKS xác định, trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông, bị can Chung lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch TP Hà Nội tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm. Do đó, bị can Chung cho bị can Nguyễn Trường Giang tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mua bán chế phẩm như một cán bộ của thành phố.
Mặc dù chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của TP Hà Nội nhưng sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thoả thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền.
Arktic chưa bổ sung ngành nghề kinh doanh hoá chất nhưng lại nhập khẩu chế phẩm và bán cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là trái quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan.
VKS xác định, từ năm 2016 đến 2019, trên cơ sở chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của bị can Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic có 13 phiếu đặt hàng và mở 28 tờ khai hải quan để nhập khẩu 489 tấn chế phẩm Redoxy-3C với tổng chi phí hơn 115 tỷ đồng.
Tiếp đó, Công ty Arktic ký 15 hợp đồng bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội 489 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá hơn 151 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 36 tỷ đồng.
Khi Công ty Thoát nước chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Arktic, bị can Chung còn yêu cầu bị can Võ Tiến Hùng ứng trước tiền mua. Thực hiện chỉ đạo của ông Chung, bị can Võ Tiến Hùng dùng tiền của gia đình chuyển cho bị can Nguyễn Trường Giang 4,6 tỷ đồng ứng trước để mua chế phẩm Redoxy-3C.
VKS cáo buộc bị cáo Chung có động cơ vụ lợi trong vụ án này và chỉ đạo vào quá trình tạm ứng tiền mua, bán chế phẩm, vi phạm quy định về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Với việc vệc tạo lợi nhuận cho công ty gia đình, ông Chung đã vi phạm điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng.
Trong quá trình điều tra, Hùng và Giang được VKS ghi nhận thành khẩn khai nhận, còn bị cao Chung không thừa nhận hành vi phạm tội.