Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh cho người say xỉn

Đây là sản phẩm giúp kiểm tra nồng độ cồn, nhắc nhở, định vị vị trí và liên hệ với người nhà người lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định do nhóm sinh viên đến từ Đại học Công nghiệp TP.HCM sáng chế.

Hiện nay phần lớn hệ thống bảo vệ và phòng tránh giao thông thông minh chỉ được tích hợp cho ô tô. Trong khi đó, phương tiện giao thông chủ yếu ở Việt Nam là xe máy lại chưa hề có một thiết bị nào giúp hỗ trợ công tác bảo vệ an toàn cho người điều khiển xe. Thực tế, phần lớn các vụ tai nạn giao thông ở nước ta đều có liên quan đến việc sử dụng chất có nồng độ cồn (40% tổng số vụ tai nạ trên cả nước).

Xuất phát từ thực tế đó, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thành Đạt – sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM, đã nảy ra ý tưởng chế tạo một thiết bị thông minh cho người say xỉn với mục tiêu làm giảm số vụ tai nạn giao thông.

Sau 2 năm tìm tòi và chế tạo, chiếc mũ bảo hiểm thông minh đã ra đời. Mũ có cảm biến để phát hiện và báo hiệu khi người lái xe không đội mũ bảo hiểm. Khi mũ đã được đội, một thiết bị khác sẽ có nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe.

 Dự án “Mũ bảo hiểm thông minh” giành Giải Cộng đồng và Giải Ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC của ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: NVCC)

Trong trường hợp phát hiện nồng độ cồn vượt mức cho phép, mũ sẽ phát ra tín hiệu nhắc nhở người lái xe đồng thời định vị vị trí và liên hệ với người nhà của người điều khiển xe hoặc hỗ trợ gọi ứng dụng taxi công nghệ để người lái xe có thể về nhà một cách an toàn.

Theo đó, sản phẩm sẽ phân phối thành 2 loại: Sản phẩm cho cá nhân có chức năng báo nồng độ cồn, chống mất cắp, báo sự cố của người lái xe về người thân, nhắc nhở bật đèn chiếu sáng…; và sản phẩm cho nhà hàng có cung cấp chất có cồn chức năng báo nồng độ cồn và đặt taxi công nghệ cho khách.

Đây là sản phẩm nằm trong dự án "Mũ bảo hiểm thông minh" đã đồng thời giành 2 giải thưởng là Giải Cộng đồng và Giải Ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đánh giá về dự án, TS. Ngô Thanh Quyền, Trưởng Bộ môn Tự động hóa, Khoa Điện, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng dự án có tính thực tế và hoàn toàn có thể thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề về giá cả và trải nghiệm của người dùng là những khía cạnh mà nhóm nghiên cứu cần phải chú ý để có thể tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình.

Phan Minh

Tin mới