Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong những ngày đầu tháng 10, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất tiền gửi phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm.
Thông tin này phù hợp với thực tiễn rất nhiều đơn vị từ ngân hàng quốc doanh đến ngân hàng thương mại cổ phần ồ ạt công bố biểu lãi suất mới với xu hướng giảm là chủ yếu.
Dù vậy, vẫn không quá khó để tìm ra một vài ngân hàng có lãi suất huy động trên 8%/năm, thậm chí 10%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MartimeBank – MSB) tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong danh sách “Các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất" với mức 10,2%/năm. Tuy nhiên, muốn được hưởng mức ưu đãi, khách hàng phải gửi kỳ hạn dài.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thường xuyên cạnh tranh vị trí số 1 của MSB với mức lãi cao nhất lên đến 9,4%/năm. Hiện tại, SHB cũng tham gia vào chương trình giảm sâu lãi suất. Dù vậy, mức cao nhất tại SHB vẫn lên đến 8,95%/năm.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) có mặt bằng lãi suất chung khá thấp, 3,95% cho các kỳ hạn ngắn, từ 6,6% đến 7%/năm cho các kỳ hạn dài. Tuy nhiên, khách hàng của ngân hàng này vẫn có nhiều lựa chọn tốt hơn nếu gửi số tiền lớn.
Ngân hàng Bản Việt đứng thứ hai với lãi là 8,5%/năm, được niêm yết cho khoản tiền từ 500 tỉ đồng trở lên gửi tại kì hạn 13 tháng.
Cụ thể, với món tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên khi gửi tiết kiệm tại kì hạn 13 tháng và 24 tháng, khách hàng tại NamA Bank vẫn được hưởng lãi suất rất cao, lần lượt là 8,45%/năm và 8,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietcapitalBank) có quãng thời gian dài là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Dù hiện tại, VietcapitalBank đã “văng” ra khỏi Top 3 nhưng đơn vị này vẫn có lãi suất ưu đãi lên đến 8,5%/năm.
Đứng sau là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với 8,4%/năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,3%/năm. Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 8,2%/năm và VietBank 8%/năm.
Nhiều ngân hàng vẫn có lãi suất trên 8%/năm. (Ảnh minh hoạ).
Đánh giá về lãi suất, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhằm giúp nền kinh tế đối phó với những khó khăn do COVID mang lại, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 3 lần cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) với tổng mức cắt giảm là 1%.
Tuy vậy, BVSC đánh giá hiệu quả thực tế của những lần cắt giảm lãi suất điều hành trong việc kích thích tổng cầu càng về sau càng giảm.
Ngoài ra, lãi suất huy động hạ có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại (7 tháng đầu năm tăng 7,85% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%). Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
"Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý 4 sẽ tăng tốc mạnh hơn so với 3 quý đầu năm (do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt). Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp (chỉ quanh mức 10%).
Đối với Thông tư 01 về giãn, hoãn các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có sự sửa đổi để kéo dài thời hạn của Thông tư này sang năm 2021 nhằm giảm sốc cho hệ thống ngân hàng", báo cáo BVSC nêu.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại có thể vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong quý cuối năm nhưng tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn trên thực tế sẽ cao hơn các con số trên báo cáo chính thức.