Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sai lầm của cha mẹ khiến con dễ bị ung thư dạ dày

Vi khuẩn HP dễ lây nhiễm, đặc biệt thông qua thói quen dùng chung đũa, mớm thức ăn cho trẻ của người lớn.

“Vi khuẩn HP có điểm đặc biệt là sống trong môi trường dạ dày. Môi trường dạ dày có nồng độ axit rất cao để làm hàng rào bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, vi khuẩn HP lại rất thích môi trường axit này. Chúng có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng. Nếu nhiễm vi khuẩn HP, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày sẽ cao hơn 6 lần so với thông thường”, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cảnh báo.

Một người có HP, cả nhà lây nhiễm

HP là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter Pylori, một loại vi khuẩn Gram âm, hình xoắn sống trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày của con người. Vi khuẩn này gây ra tình trạng viêm dạ dày, nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Tú, nhiễm khuẩn HP tương đối phổ biến, ở các nước Đông Nam Á, tỷ lệ này khoảng 55-60%. Tỷ lệ trẻ mắc vi khuẩn này khá cao, nhất là bé trong giai đoạn ăn dặm từ 2-6 tuổi.

Vi khuẩn HP sống trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày. (Ảnh: Shutterstock)

Bác sĩ Tú cho biết vi khuẩn HP thường lẩn trốn trong môi trường dạ dày khi điều kiện sống không thuận lợi. Lúc này, chúng thay đổi hình dạng, trốn trong dạ dày để chờ đợi “thời cơ”. Đó là lý do mà nhiều người xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn HP nhưng vẫn không có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, khi gặp môi trường thuận lợi, vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tại Việt Nam, tình trạng nhiễm vi khuẩn HP đang ở mức báo động. Đặc biệt, với nhóm trẻ dưới 8 tuổi, tỷ lệ nhiễm HP lên đến hơn 80%. Một phần nguy cơ nhiễm HP lại đến từ hành vi ít ai ngờ tới đó là thói quen hôn môi, mớm cơm cho trẻ của người lớn mang mầm bệnh.

“Vi khuẩn HP lây nhiễm từ người sang người qua đường miệng – miệng, phân – miệng, da dày- miệng. Trẻ em chưa biết vệ sinh trong ăn uống, thói quen ăn uống chung với người lớn càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm hơn. Ngoài ra, HP còn tồn tại trong phân nên có thể lây truyền qua vật trung gian như chuột, gián, ruồi nếu thức ăn không đảm bảo vệ sinh”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

Các bác sĩ cảnh báo tỷ lệ người Việt mang vi khuẩn HP trong cơ thể rất cao. Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen không tốt như mớm thức ăn, hôn, thổi thức ăn, sử dụng chung bát đũa với trẻ. Đây là những thói quen không tốt đưa đến tình trạng một người có HP, cả nhà bị lây nhiễm.

Điều trị cho trẻ nhiễm HP khó khăn

Theo bác sĩ Tú, hầu hết trường hợp nhiễm HP không có triệu chứng bao gồm cả người lớn và trẻ em. Một số người sẽ có biểu hiện viêm loét dạ dày như đau khó chịu vùng bụng trên, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn sụt cân, buồn nôn hoặc nôn, đại tiện phân màu đen, chóng mặt, mệt do thiếu máu.

Việc điều trị cho trẻ nhiễm vi khuẩn HP rất khó khăn và tỷ lệ tái phát cao. (Ảnh: Factdr)

Tuy nhiên, các biểu hiện này hầu như khá phổ biến ở tuổi nhỏ, do đó, phụ huynh dễ dàng bỏ qua hoặc tự ý mua kháng sinh cho con uống. Bác sĩ Tú cho biết nhiều trẻ chỉ vô tình được phát hiện có vi khuẩn HP khi nội soi dạ dày, X-quang đường tiêu hóa hay xét nghiệm phân, nước tiểu.

“Trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc ung thư dạ dày, bị thiếu máu do thiếu sắt kháng trị hay các bé thường xuyên bị đau bụng mạn tính hoặc viêm loét dạ dày tá tràng là trường hợp có nguy cơ mắc HP hàng đầu. Tuy nhiên, việc điều trị nhiễm khuẩn HP ở trẻ tương đối khó khăn do các bé khó tuân thủ phác đồ điều trị, tỷ lệ trẻ tái nhiễm HP khá cao trong khi vi khuẩn này đang có tình trạng kháng kháng sinh”, bác sĩ Tú nhấn mạnh.

Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết do tình trạng này, một số trường hợp trẻ nhập viện với bệnh cảnh chảy máu trong dạ dày, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện nhiều ổ loét. Nhiều trẻ phải đổi phác đồ, đổi thuốc đến lần thứ 3, thứ 4 mới điều trị hiệu quả. Trong khi đó, chúng ta hiện chưa có vaccine phòng ngừa HP.

Bác sĩ Tú cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi năm, đơn vị tiến hành nội soi tiêu hóa cho 250 trẻ, tỷ lệ nhiễm HP dao động với khoảng 8/10 bé mắc.

“Việc tầm soát ở trẻ khó hơn người lớn rất nhiều. Vi khuẩn HP có nhiều loại, khi đã chữa khỏi bệnh vẫn có thể tái phát lại. Người lớn cần đưa trẻ đi xét nghiệm định kỳ và chỉ xét nghiệm, nội soi, điều trị khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Chúng ta nên tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, đưa đũa vào cùng tô canh, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén gia vị, uống chung ly nước. Người lớn nhiễm HP tránh hôn môi, nêm nếm và mớm thức ăn cho trẻ”, bác sĩ Tú khuyến cáo.

Nguồn: Zing News

Tin mới