Hòa Hòa sống với bố mẹ và ông bà nội tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, cậu bé được coi là "tiểu rồng" trong nhà, ai cũng phải cung phụng.
3 tuổi rưỡi, Hòa Hòa đi học mẫu giáo. Sau kỳ một, hiệu trưởng nói với gia đình không muốn để Hòa Hòa theo học ở trường nữa. "Giáo viên cho hay dù 4 tuổi nhưng Hòa Hòa không thể tự ăn mà phải nhờ người khác đút. Nó cũng không thể tự đi vệ sinh nếu không có người lớn đưa đi, vì thế nó đã tè bậy ra bàn học. Trong lớp nó luôn ương bướng, muốn gì phải làm cho bằng được và sẵn sàng đánh bạn nếu không vừa ý", bà nội cậu bé nói.
Rồi cậu bé này chuyển sang một trường tư. Chỉ sau một tuần, hiệu trưởng lại gọi bà nội lên phản ánh và trả Hòa Hòa về. Trường thứ 3 từ chối ngay buổi đầu phỏng vấn vì cậu bé nằm vật ra nhà khóc lóc, rồi đánh bà khi bà nội chưa kịp đưa chiếc điện thoại theo yêu cầu.
(Ảnh minh họa)
Sợ có vấn đề về thần kinh, gia đình đưa Hòa Hòa đi khám. Kết quả cho thấy, năng lực vận động, ngôn ngữ, giao tiếp và nhận thức của cậu bé không đạt mức trung bình, thậm chí chỉ bằng đứa trẻ 2 tuổi.
Bác sĩ kết luận, Hòa Hòa phát triển chậm về mọi mặt và nguyên nhân chính là do gia đình quá nuông chiều. Nhận được kết quả, bà nội cậu bé suy sụp, bà tự nhận chính sự nuông chiều quá mức của mình khiến Hòa Hòa trở nên hư đốn và không thể dạy bảo.
Theo bà nội Hòa Hòa, vì là cháu trai đích tôn của gia đình nên cậu bé thích điều gì là người lớn ngay lập tức đáp ứng. "Bác sĩ nói, chính lý do này đã tước đi cơ hội suy nghĩ và vận động của đứa trẻ, khiến chúng không thể thích nghi với môi trường xung quanh. Chúng trở nên ích kỷ, lười biếng, tham lam và luôn nổi giận thái quá khi không đạt được mục đích", người phụ nữ này cho hay.
Sự nuông chiều thái quá đã khiến những trẻ thế này không thể hình thành nhân cách và luôn luôn trong vòng tay che chở của người lớn. Vì thế khi lần đầu được tiếp xúc với một môi trường tập thể như trường mẫu giáo, trẻ sẽ cảm thấy cô đơn và đau khổ.
Những sai lầm cơ bản của cha mẹ dưới đây sẽ khiến trẻ khó thích nghi khi sống trong tập thể:
1. Trẻ không có lịch hoạt động ổn định
Một bà mẹ khi cho con trai duy nhất đi học mẫu giáo tâm sự:
"Khi con còn ở nhà, tôi đã quá nuông chiều theo sở thích của con mà không rèn cho nó lịch sinh hoạt thích hợp. 9h tối đáng lẽ những đứa trẻ khác đã đi ngủ thì con trai tôi vẫn ngồi xem tivi vì nó thích thế. Buổi sáng, 10h con trai mới ngủ dậy rồi mới ăn sáng. Chúng tôi ăn trưa lúc 2h chiều.
Tôi luôn nghĩ rằng, cứ chiều theo sở thích của con, khi nào con đi học, nhà trường ắt hẳn sẽ chấn chỉnh và nó sẽ phải dần thích nghi, nhưng tôi đã nhầm.
Những ngày đầu đến trường, 8h sáng vào lớp nhưng khi đó con trai tôi vẫn đang ngủ. Hai mẹ con đến được trường khi giờ thể dục buổi sáng đã kết thúc. Buổi trưa trong khi các bạn khác đang ngủ thì con trai tôi lại ngồi chơi. Buổi chiều khi các bạn ra ngoài chơi thì nó lại ngủ gà gật trong lớp. Cô giáo đề nghị ra chơi với bạn khác thì nó cáu gắt rồi khóc ngằn ngặt.
Một tháng cố gắng ở trường nhưng con trai tôi chẳng có nhiều thay đổi. Mỗi khi đến trường, nó đều gào khóc không muốn đi. Không chơi với bạn, không hợp tác với cô giáo, tâm trạng của con ngày càng tồi tệ.
Rồi một ngày, giáo viên đưa một giải pháp "Cho trẻ ở nhà cả buổi sáng, sau khi ngủ trưa xong thì đưa đến lớp. Buổi sáng ở nhà, mẹ chỉnh lịch sinh hoạt của con dần dần". Không có giải pháp nào khác, tôi miễn cưỡng làm theo.
Ngày đầu tiên thực hiện, con trai đã hỏi tôi: ‘Mẹ ơi, các cô giáo rất ghét con đúng không? Sao các bạn đều đến trường buổi sáng mà con thì không?’.
Câu hỏi đó của con khiến tôi bối rối. Tôi nhận ra rằng chính sự giáo dục của mình khiến con rất khó khăn để hòa nhập với trường lớp, bạn bè như ngày hôm nay".
Trong cuốn sách "Thói quen thành đạt", chuyên gia Bernard Roth, đến từ Đại học Stanford, nhấn mạnh: Cha mẹ phải giúp con phát triển thói quen thường xuyên. Hoạt động ổn định, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống cân bằng mới tạo ra một cơ thể khỏe mạnh.
Khi trẻ có một lịch trình hoạt động ổn định sẽ khiến chúng biết được cần phải làm gì trong thời gian tiếp theo, từ đó sẽ thiết lập cảm giác về nhịp điệu bên trong và tạo ra cảm giác an toàn có thể dự đoán được.
Trước khi cho con đi học mẫu giáo, cha mẹ có thể tham khảo trước lịch hoạt động của trường để con làm quen và rèn luyện dần cho vào nề nếp.
2. Quên dạy trẻ cách chăm sóc bản thân
Một trường mẫu giáo của thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc mới đây gây xôn xao dư luận khi đăng tải thông tin như sau:
"Trường mẫu giáo là nơi sinh sống tập thể, nuôi dưỡng trẻ những thói quen, hành vi và khả năng toàn diện. Trẻ cần phải sống và lớn lên trong môi trường tập thể. Vì thế phụ huynh không thể yêu cầu giáo viên chúng tôi phải quan tâm và phục vụ riêng cho con của quý vị. Chúng tôi không phải bảo mẫu. Xin cảm ơn".
Thông tin này đã gây ra cuộc tranh cãi giữa nhiều bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, những đứa trẻ không thể tự chăm sóc bản thân như cậu bé Hòa Hòa khó có thể hòa nhập được với một môi trường tập thể như ở lớp mẫu giáo.
Diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Mã Nhã Thư là một người mẹ rất nuông chiều con gái "Tôi luôn ôm con trong lòng mình. Miễn là con gọi mẹ, mọi thứ tôi đều đáp ứng", Nhã Thư chia sẻ với một kênh truyền hình.
Con gái cô, Maya hơn 3 tuổi không thể tự mặc quần, cũng chưa bao giờ vào nhà tắm một mình để đi vệ sinh. Tất cả đều có mẹ trợ giúp. Sau vài buổi đi mẫu giáo, các cô giáo cũng từ chối khéo để không phải nhận một học sinh như Maya.
Robert - người chồng ngoại quốc của nữ diễn viên này cho biết: "Maya từ chối tất cả những công việc đáng nhẽ một đứa trẻ 3 tuổi phải làm, và Nhã Thư đều làm hộ cho con. Cô ấy luôn cho rằng con bé chưa thể làm được gì và cần phải chăm sóc nhiều hơn nữa. Maya không có cơ hội để được độc lập".
Nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc Trần Hạc Linh từng nói rằng: "Tất cả những việc mà trẻ con có thể làm được, hãy để chúng làm".
Theo đó, trẻ 3 - 4 tuổi phải tự ăn và biết sử dụng nhà vệ sinh riêng. Chúng có thể sắp xếp được sách vở, đồ chơi và mặc được quần áo với sự giúp đỡ của người lớn.
Trẻ 4-5 tuổi có thể tự mặc quần áo một mình và sắp xếp gọn gàng đồ đạc.
Trẻ 5-6 tuổi có thể tự chọn quần áo theo mùa và sắp xếp đồ theo danh mục.
"Những khả năng không thể hình thành ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình rèn luyện. Điều quan trọng là cha mẹ hãy cho con cơ hội để được làm những việc đó", ông Trần Hạc Linh nói.
3. Không để trẻ có cơ hội chơi với bạn
Tiểu Vân là một cô bé rất xinh xắn, đáng yêu. Bố mẹ đi làm, hàng ngày cô bé ở nhà với ông bà nội. Dù đi đâu, bà của Tiểu Vân cũng bế cô bé trên tay vì sợ ngã. Khi ra công viên, Tiểu Vân cũng chỉ quanh quẩn bên bà bởi bà nội sợ cháu chơi với bạn bị bắt nạt, bị xô đẩy.
Khi đến lớp mẫu giáo, Tiểu Vân thui thủi một mình, không muốn chơi với ai và hay đòi về nhà với ông bà nội.
"Vì ông bà quá bao bọc nên giờ Tiểu Vân khó có thể hòa đồng với các bạn trong lớp. Sự bao bọc này khiến bé không phù hợp với cuộc sống tập thể, không biết cách giao tiếp với cô giáo và bạn bè", cô giáo của Tiểu Vân chia sẻ.
Người lớn nên chủ động tạo cơ hội cho con trẻ chơi với những đứa trẻ khác thay vì chơi quanh quẩn với cha mẹ, ông bà. Khi đó, trẻ sẽ dần học được cách lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của đối phương, đồng thời thể hiện tốt hơn nguyện vọng và mong muốn của mình.
Đừng lo lắng khi trẻ tranh đồ chơi hay đánh bạn vì mâu thuẫn nhỏ bởi đó cũng là cơ hội tốt để huấn luyện trẻ xử lý các mối quan hệ cá nhân. Cha mẹ không nên can thiệp vào mâu thuẫn của trẻ, hãy để chúng tự giải quyết.
Nhiều cha mẹ sẽ rất xót con khi lần đầu chúng bước vào môi trường tập thể là trường mẫu giáo. Nhưng sự độc lập mà trẻ học được ở môi trường này sẽ là những trải nghiệm rất quý giá cho bước đường tiếp theo của chúng.
"Bảo vệ trẻ quá mức không phải là tình yêu mà đó là một trở ngại khiến trẻ luôn cô đơn, đau khổ trong trường mẫu giáo. Buông tay đúng cách, để con trải nghiệm một chút gió mưa cũng là một cách để yêu thương", chuyên gia giáo dục Trần Hạc Linh nói.