Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sách Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại có nội dung thế nào?

(VTC News) -

Trong khi GS Hồ Ngọc Đại khẳng định bộ sách Công nghệ giáo dục hoàn chỉnh, không cần sửa thêm thì nhiều giáo viên chỉ ra hàng loạt lỗi chính tả, cách diễn đạt không phù hợp với học sinh.

Cách dạy kiểu vuông, tròn, tam giác

Cô giáo Vũ Thị Mai, trường Tiểu học Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) có 6 năm dạy sách Công nghệ giáo dục cho biết, cuốn Tiếng Việt có nhiều phần khó, thậm chí khó hơn cả chương trình giáo dục phổ thông đại trà đang được giảng dạy phổ biến hiện nay.

Cô Mai dẫn chứng, phần đầu của tập 1, khi học sinh làm quen với các âm vần chỉ có tròn, vuông, tam giác?". Nếu để học sinh và phụ huynh tự học thì không thể hiểu được, buộc phải có sách hướng dẫn của giáo viên.

Các âm vần chỉ có tròn, vuông, tam giác.

 

Cô giáo Lò Hương Thảo (Lai Châu) cho biết mới tiếp xúc với bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, hầu hết nhiều giáo viên và phụ huynh đều hoang mang với nội dung trong sách dạy.

Chẳng hạn, trong bài học về vần "oanh/oạch"; "hoạch/quạch", trong nội dung minh họa bằng bài: "Vẽ gì khó?". Nhiều giáo viên thắc mắc sao sách không đưa ví dụ nào tốt hơn, mà phải dùng đến dẫn chứng vẽ ma quỷ trong một bài học cho học sinh lớp 1. Như vậy rất dễ phản tác dụng của giáo dục.

Sách có đoạn "vẽ ma quỷ".

GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, tài liệu “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại còn nhiều “sạn”, kiến thức nặng so với năng lực của học sinh 6 tuổi.

Khó khăn khi dạy học sinh ở tập 2 có quá nhiều bài đọc dài, nhiều vần khó, gây khó khăn cho học sinh lớp 1, như vần "uặc", "quăng", "Xuýp" rất ít gặp và khó đọc.

Trong một bài đọc sử dụng nhiều từ địa phương nặng tính vùng miền: gọi mẹ bằng má, mạ, mế… học sinh lớp 1 hiểu sao được từ có nghĩa gì, cũng chỉ là học vẹt.

Các vần "uặc", "quăng", "Xuýp" rất ít gặp và khó đọc. Bài đọc, bài viết chính tả rất dài, giờ dạy không đủ, quá sức với học sinh thành phố, chưa nói gì đến vùng cao khó khăn để xóa mù.

Sử dụng nhiều từ địa phương

Kế tiếp, vấn đề từ vựng trong cuốn sách không mang tính phổ thông. Nghĩa là, học sinh nhiều vùng miền khác nhau không thể hiểu được nghĩa một số từ, ngữ xa lạ, kể cả giáo viên. Ví dụ, từ “quện nhau”, "xà nẹo".

"Chúng tôi là những người nghiên cứu ngôn ngữ học cũng không thể hiểu được từ này có nghĩa là gì", GS Lợi nói.

Hoặc từ “gà qué”, muốn hiểu “qué” là gì thì có lẽ phải truy nguyên từ vựng. Rồi đến những từ láy như: “lai rai”, “lải nhải”, “ngài ngại”, “trình trịch”… "Không hiểu học sinh mới 6 tuổi cần biết để làm gì?", GS Lợi cho hay.

Cô Huỳnh Thị Thanh Huệ, giáo viên dạy lớp 1 một trường tiểu học ở TP.HCM khá bất ngờ khi lần đầu tiếp xúc với nội dung sách. Bởi cách dùng từ và những câu chuyện trong sách không mang tính giáo dục. Những từ ngữ trong sách người lớn còn chưa hiểu thì làm sao trẻ con hiểu được.

Cô Huệ chỉ ra nội dung trong cuốn sách có quá nhiều từ ngữ địa phương cùng một lúc mà không giải thích nghĩa của từ như “má, mẹ, mế, mạ…". Điều này gần như đi ngược với các chương trình đang dạy phổ biến từ trước đến nay.

 

 

“Nếu muốn cải cách ngôn ngữ Tiếng Việt thì nên lấy ngôn ngữ chuẩn quốc gia từ trước đã dùng, không nên thay đổi và áp dụng tiếng địa phương. Cần sớm chấm dứt thử nghiệm sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, tránh gây ra hệ lụy khôn lường cho nền giáo dục nước nhà”, cô giáo này bày tỏ.

Được biết, chỉ riêng sách giáo khoa tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được GS Hồ Ngọc Đại chia thành 3 tập gồm: Âm chữ- Vần- Tự học, khá nặng so với chương trình giáo dục hiện hành, dù mang lại hiệu quả nhất định nhưng cả giáo viên và học sinh đều thấy vất vả khi giảng dạy và tiếp thu bài học.

300 chi tiết cần phải sửa

Theo đánh giá chung của Hội đồng thẩm định, sách giáo khoa Tiếng Việt Công nghệ giáo dục  tập 1, 2, 3 của GS Đại có 300 chi tiết nội dung không phù hợp, hoặc vượt quá quy định trong chương trình Tiếng Việt lớp 1.

Cụ thể, một số ngữ liệu không phù hợp với học sinh lớp 1, không phù hợp với yêu cầu giáo dục môi trường,… Một số văn bản có số lượng chữ vượt quá yêu cầu của chương trình như Cháo rừu có 148 chữ, Phép lịch sự có 141 chữ, Tiếng ru có 114 chữ,…

Một số yêu cầu học thuộc lòng vượt quá yêu cầu của chương trình như "Ông tiển, ông tiên", "Ông giẳng ông giăng", thằng Bờm...  và bài đọc “khó” đối với học sinh lớp 1 như Dòng sông mặc áo, Biển đẹp.

Không ít giáo viên nhận xét cách diễn đạt đa số các đoạn văn trong sách khá nặng nề và vô nghĩa.

Với yêu cầu về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa, theo hội đồng thẩm định, hạn chế sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của GS Đại là thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh khiến cho giáo viên khó có thể vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm.

Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu, giảm hứng thú học tập của học sinh... Cùng đó là những lỗi về cấu trúc các bài học trong sách chưa thể hiện rõ các thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...

Ngôn ngữ và cách diễn đạt trong một số bài học chưa đảm bảo yêu cầu “dễ hiểu và phù hợp với học sinh lớp 1”. Việc dùng nhiều khái niệm ngữ âm trong sách khiến cho sách trở nên nặng và quá tải với học sinh lớp 1.

Rất nhiều mẩu chuyện được trích dẫn trong sách một cách vô nghĩa hoặc không có tính giáo dục học sinh. Sách chú trọng nhiều tới phương pháp, cách thức dạy chữ hơn là nội dung câu chữ.

Những chi tiết cần sửa này được Hội đồng thẩm định sách quốc gia đưa ra và đối thoại trực tiếp với GS Hồ Ngọc Đại 2 lần trước khi đánh giá bộ sách không đạt.

Tuy nhiên, đến nay GS Đại vẫn một mực cho rằng, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của mình là công trình khoa học hoàn chỉnh, thực nghiệm thành công nên từ chối tất cả các đề nghị chỉnh sửa dù là nhỏ nhất.

Video: Đối thoại giữa GS Hồ Ngọc Đại và Bộ GD&ĐT về sách Giáo dục công nghệ

Minh Khôi

Tin mới