Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Rút ruột' xăng máy bay bán cho xe máy: Xử lý tới cùng, 'không có vùng cấm'

Trong vụ việc gần 9.000 lít chất lỏng được cho là xăng để phục vụ máy bay quân sự được bắt giữ tại Hưng Yên sẽ không có "vùng cấm" điều tra.

(VTC News) - Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) Quốc gia cho biết sẽ điều tra tới cùng băng nhóm tội phạm, "không có vùng cấm" trong vụ việc gần 9.000 lít chất lỏng được cho là xăng để phục vụ máy bay quân sự được bắt giữ tại Hưng Yên.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm


Liên quan đến gần 9.000 lít chất lỏng được cho là xăng để phục vụ máy bay quân sự được bắt giữ tại Hưng Yên, trả lời phỏng vấn VTC News chiều 5/4, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) Quốc gia cho biết: Sau khi nhận được nguồn tin về hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường, ông đã cử người xử lý ngay trong đêm và chuyển nguồn tin đó tới ban chỉ đạo cơ quan thường trực, Chi cụ trưởng Đội Quản lý thị trường Hưng Yên. 


Sau 1 tiếng đồng hồ đã thu giữ xe tang vật, đưa về Đội Quản lý thị trường số 11 ở Hưng Yên để xử lý.

Chiếc xe chở chất lỏng nghi xăng bị bắt giữ - ảnh do BCĐ 389 Hưng Yên cung cấp. 


“Chúng tôi cũng đưa tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 1 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để giám định, kết quả cho thấy: Nguyên liệu thu giữ được vượt quá hàm lượng cho phép. Cụ thể là chỉ số ốc tan quá cao. Chúng tôi cũng chưa kết luận được là loại gì mà chỉ số ốc tan cao đến vậy!” – ông Hùng nói. 


Cũng theo ông Hùng, ban đầu Đội Quản lý thị trường phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên chỉ tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với xe vi phạm, tuy nhiên, trên tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu điều tra làm rõ thêm và chưa nhất trí với cách xử lý của Hưng Yên. 


“Chúng tôi thấy rằng: Cách xử lý của Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Quan điểm của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, mọi vụ việc phải công khai trên báo đài và kiên quyết xử lý đến cùng, làm rõ đường dây, ổ nhóm ở đâu. 


Bởi nếu đúng theo nguồn tin báo, xăng này dùng cho máy bay quân đội thì đây là vấn đề nghiêm trọng vì liên quan tới quân đội và vấn đề an ninh. Vì vậy, cần làm rõ nguồn nhiên liệu này ở đâu ra vì xăng dầu là mặt hàng nhà nước quản lý và tìm rõ đường dây, ổ nhóm ở đâu” – ông Hùng khẳng định.


 

Cách xử lý của Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Quan điểm của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, mọi vụ việc phải công khai trên báo đài và kiên quyết xử lý đến cùng, làm rõ đường dây, ổ nhóm ở đâu.

Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) Quốc gia


 
Theo ông Hùng, Ban chỉ đạo 389 sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để điều tra nghiêm túc vấn đề này, xem sai ở đâu, có sơ hở, thiếu sót gì. 


“Hiện tại, chúng tôi cũng điện thoại xuống Hưng Yên thường xuyên nhưng Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hưng Yên và Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên – đơn vị thụ lý trực tiếp vụ này vẫn đang trong thời gian điều tra, cho tới thời điểm này chưa có kết quả. Trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi sẽ có thông tin rộng rãi tới các cơ quan truyền thông” – ông Hùng nhấn mạnh.


Xăng máy bay dùng cho ô tô, xe máy sẽ gây cưỡng bức nổ, cháy xe


Việc gần 9.000 lít chất lỏng, nghi là xăng máy bay, không có hóa đơn, chứng từ bị bắt ở Hưng Yên trên đường tuồn ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường khiến dư luận đang hết sức quan tâm.

 

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH & CN) cho biết: Sau khi Trung tâm 1 kiểm tra giám định chất lỏng này, các chỉ tiêu cơ bản là xăng, tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu quan trọng nhất nằm ngoài chỉ tiêu quy chuẩn Quốc gia về xăng dầu. 


Thứ nhất, hàm lượng chì cao rất nhiều so với quy chuẩn, cao gấp khoảng 80 lần. Thứ hai, hàm lượng ốc tan rất cao, không thể xác định được. Các chuyên gia giám định của Trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật 1 đã dùng bằng biện pháp loại suy, trên cơ sở đó xác định hàm lượng ốc tan là 108. 


Từ đó, ông Vinh đưa ra kết luận: “Chất này có tính chất của xăng nhưng không phù hợp với quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành. Chúng tôi tạm gọi là dung dịch mang tính chất xăng”. 


Ông Vinh cũng cho hay: Hiện tại, trên cơ sở mẫu này, Trung tâm 1 đang so sánh tất cả các hàm lượng liên quan có trong dung dịch với các tiêu chuẩn đã có trong nước và quốc tế để xác định rõ đó chính xác là dung dịch gì.

 

Ông Vinh cho biết: "Hàm lượng ốc tan cao như vậy, máy móc của chúng ta chưa chắc đã sử dụng được!" 


Từ vụ việc trên, nhiều người dân Việt Nam không khỏi bất an, lo lắng khi đặt ra câu hỏi: Nếu các chất lỏng có chỉ số ốc tan cao như vậy được pha chế rồi đưa ra thị trường lưu thông thì sẽ gây ra những hiểm họa khôn lường như thế nào cho các động cơ chạy dưới đất như ô tô, xe máy?!


Trả lời cho câu hỏi này, ông Vinh nhấn mạnh: “Hàm lượng ốc tan cao như vậy, máy móc của chúng ta chưa chắc đã sử dụng được hoặc nếu sử dụng sẽ không tốt cho máy móc thiết bị. Vì mỗi máy móc, thiết bị có một hàm lượng ốc tan nhất định phù hợp để triển khai”.


Đặc biệt, hàm lượng chì rất lớn, theo ông Vinh, sẽ gây ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề khác nữa, thậm chí, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. 


“Trong điều kiện tắc đường, giao thông trong thành phố như này, chạy nhiên liệu trên là hành động không thể chấp nhận được, vì yêu cầu về chì vượt quá 80% quá lớn so với yêu cầu” – ông Vinh nói.


Theo ông Vinh, những loại xăng giống như chất lỏng bị thu giữ tại Hưng Yên trên có thể là nguyên nhân gây chết máy, cháy nổ xe đột ngột trên đường thời gian vừa qua. 


Đồng quan điểm trên, trả lời VTC News, PGS. TS. Hoa Hữu Thu, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Hóa học dầu mỏ, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) lưu ý: Nguyên tắc là nhiên liệu nào sử dụng cho động cơ ấy, đem nhiên liệu của máy bay dùng cho động cơ ô tô, xe máy là việc tuyệt đối không được làm vì nhiên liệu sử dụng hoàn toàn khác nhau. 


Cụ thể, xăng máy bay (xăng dùng cho động cơ cánh quạt) dễ bay hơi hơn so với xăng ô tô, xe máy (xăng dùng cho động cơ 4 kỳ). Xăng máy bay có trị số ốc tan rất cao (trên 100) trong khi đó xăng của ô tô, xe máy, trị số ốc tan chỉ yêu cầu khoảng 92. 


Điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính người sử dụng và có thể ảnh hưởng tới người khác khi xảy ra cháy nổ vì chất lượng của xăng ô tô, xe máy khác hoàn toàn so với xăng máy bay, nếu thay thế nhau sẽ dẫn tới hiện tượng cưỡng bức nổ. 


Thậm chí, ngay cả khi, các đơn vị trục lợi “rút ruột” xăng máy bay rồi đem pha chế với các loại xăng xe máy, ô tô được phép sử dụng khác, GS Thu cũng khẳng định: Điều đó là không nên, bởi “những sản phẩm dầu mỏ khi pha chế phải tuân theo quy luật toán học nhất định chứ không phải muốn pha thế nào thì pha”.


“Quan trọng nhất là hệ số nén của 2 loại xăng này khác nhau. Cụ thể, nhiên liệu dùng cho máy bay, hệ số nén thấp hơn hệ số nén của động cơ  xe máy, ô tô. Ví dụ, xe máy Wave có hệ số nén trên 9 một chút nhưng động cơ cánh quạt của máy bay thì không phải là 9 mà còn thấp hơn. 


Chính vì vậy, chưa nén đến nơi thì xe đã nổ rồi, động cơ sẽ rung cực mạnh, làm bung tất cả các thiết bị, các mối nối lỏng ra, nhiên liệu chảy rò rỉ, xăng bốc hơi sẽ dẫn tới cháy nổ. Trong khi đó, cháy một chút sẽ dẫn tới cháy cả bình và từ đó, cháy cả xe” – GS Thu cho biết.


 

Xăng máy bay không được sử dụng phổ biến ở ngoài, dùng như thế rất nguy hại cho người sử dụng.

PGS. TS. Hoa Hữu Thu, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Hóa học dầu mỏ, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN)

 
Vừa qua, trên thị trường xảy ra nhiều vụ cháy nổ xe máy giữa đường, theo PGS.TS Thu, nguyên nhân có thể do xăng, bởi xăng dùng không đúng quy cách sẽ dẫn tới hiện tượng nổ sớm hoặc nổ không đúng kỳ (không đúng chuẩn của người chế tạo). Và các vụ việc “rút ruột” xăng máy bay để tuồn ra ngoài thị trường bán cho đại lý xăng dầu dùng cho ô tô, xe máy có thể coi là “ngòi châm” của các vụ cháy, nổ xe bất thường xảy ra suốt một thời gian dài vừa rồi.


“Cần ngăn chặn tình trạng lấy cắp xăng dầu, hơn nữa, xăng máy bay không được sử dụng phổ biến ở ngoài, dùng như thế rất nguy hại cho người sử dụng. 


Thêm vào đó, xăng khi bỏ ra ngoài không khí, bị ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ làm giảm chất lượng của xăng. Vì thế, người dân không nên để xăng trong những can trắng để ở ngoài đường. Khi sử dụng xăng như thế rất dễ dẫn tới cháy, nổ gây chết người” – PGS.TS Thu nhấn mạnh.

Video: Xâm nhập 'chảo lửa' buôn lậu Lạng Sơn - Quảng Ninh



Vị chuyên gia về hóa dầu này cũng cho biết: Trên thị trường hiện nay có 2 loại máy bay: Máy bay phản lực (hay máy bay chở hành khách) và máy bay cánh quạt (thông thường dùng cho quân đội hoặc phục vụ công tác khí tượng hay sử dụng trong nông nghiệp), mỗi loại máy bay này lại dùng một kiểu xăng chuyên dụng khác nhau.

Ngọc Hân



Nguồn:

Tin mới