Bà Lu, 58 tuổi, sống ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thường xuyên cảm thấy đau dữ dội từng cơn ở ngực và bụng, kèm theo nôn mửa. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện các ống dẫn mật trong gan của bà bị giãn nghiêm trọng, nguyên nhân có thể là nhiễm trùng gây tắc mật. Bác sỹ cho dẫn lưu mật để điều trị.
Theo Nanguo Morning Post, một tờ báo địa phương Trung Quốc, trong quá trình theo dõi dẫn lưu mật, bác sỹ nhìn thấy những con trùng bò ra khỏi cơ thể nữ bệnh nhân và hiện rõ trong ống thoát dịch, kích thước và hình dạng của chúng trông khá giống hạt dưa.
Những con sán lá gan bò trong ống dẫn lưu của bệnh nhân.
Bác sĩ giải thích, đây là những con sán lá gan, và chúng chính là thủ phạm gây ra hàng loạt triệu chứng đau đớn, nôn mửa của bà Lu. Tìm hiểu thêm thông tin từ bệnh nhân và gia đình, bác sỹ được biết người nhà bà Lu rất thích ăn cá sống. Bà không ăn món này, do đó bác sỹ đoán rằng do gia đình dùng thớt chung cho cả thực phẩm sống và chín nên bệnh nhân bị lây nhiễm chéo.
Vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá gan là ốc và cá nước ngọt. Khi người và một số động vật ăn phải những con cá, con ốc chứa ấu trùng sán lá gan nhưng không nấu chín kỹ, ấu trùng sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Người cũng có thể nhiễm sán lá gan nếu ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
Các trường hợp nhiễm sán lá gan nhẹ thường không có triệu chứng lâm sàng. Sau một thời gian dài, tình trạng sẽ nặng thêm bởi số lượng lớn ký sinh trùng trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như ứ mật, viêm đường mật và sỏi trong gan. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Cách phòng tránh nhiễm sán lá gan là nấu chín kỹ thức ăn, hình thành thói quen sử dụng riêng thớt cho đồ sống và đồ chín, thớt dùng cho cá thịt và thớt để thái rau củ. Ngoài ra, cần khử trùng thớt thường xuyên.