Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rùng mình nghề ‘bán mạng’ dưới đáy biển khơi của ngư dân Việt

(VTC News) -

“Sống nhờ biển”, nhưng ít ai biết được góc khuất phía sau cuộc sống của những ngư dân, khi họ luôn cận kề với hiểm nguy từ chính những nghề mưu sinh trên biển.

Đã có nhiều ngư dân “chết vì biển” nhưng, vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn phải liều mình đánh cược sinh mạng cho biển cả.

Lặn biển săn hải sản – Cái chết luôn rình rập

Trong tất cả những nghề liên quan đến biển, có lẽ chẳng nghề nào nhọc nhằn, gian nan như nghề lặn. Nếu những đoàn tàu xa bờ vài ngày đã có thể dong buồm trở về với đầy ắp cá tôm, thì nhiều loại hải sản mùa vụ khác lại cần sự khéo léo, tỉ mẩn của người thợ lặn mới có thể đánh bắt được. Cũng bởi thế, nghề lặn biển săn hải sản ra đời. Và, nhu cầu thị trường ngày càng cao thì nghề lặn càng thịnh hành, giúp không ít ngư dân “hái” ra tiền.

Phần lớn người thợ lặn đều săn các đặc sản quý hiếm của biển. Thôi thì đủ cả, từ những sinh vật bé nhỏ như ngọc trai, hàu, cây hoa đá, hải sâm..., đến cả những hải sản được ví là thuồng luồng đại dương như cá chình. Đây đều là những sản vật được giới nhà giàu ưa chuộng nên giá trị kinh tế rất cao, mang lại thu nhập lớn cho nhiều ngư dân.

Tuy nhiên, đằng sau những sắc màu lấp lánh ấy là cả một hành trình gian nan, nhọc nhằn không phải ai cũng biết, không phải ai cũng làm được. Nguy hiểm hơn, người lặn biển còn luôn bị tử thần rình rập, bởi, những loại hải sản quý hiếm thường sống ở độ sâu từ 50 - 70m.

Với bộ đồ người nhái, chiếc kính lặn, bộ ống dẫn hơi dài khoảng 200 m, 5 đến 7 cân chì..., thợ lặn đã sẵn sàng cho hành trình mò đáy đại dương. Trong nháy mắt, họ biến mất dưới làn nước xanh ngắt, chỉ còn thấy sợi dây dù và chiếc ống thở nối với bình khí nén trên tàu...

Để bắt được hải sản quý hiếm, sau khi xuống đáy biển, thợ lặn còn phải mò tìm. Những người sành sỏi trong nghề cho biết, ai có sức khỏe mới có thể ở được dưới đáy biển khoảng 4 tiếng đồng hồ. Người nào mới vào nghề hoặc sức khỏe kém thì chỉ lặn được khoảng 2 tiếng.

Nghề lặn biển rất cần sự dẻo dai, bền bỉ, khéo léo và tỉ mẩn. (Ảnh minh họa)

Nhiệm vụ của người thả ống hơi, kéo dây cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Bởi lẽ, chỉ cần kéo nhanh hay chậm thì tính mạng các thợ lặn cũng đều gặp hiểm nguy. Trung bình một tàu thuyền đi lặn có trên dưới 10 người. Trong đó, thợ lặn khoảng 5-8 người, số còn lại có nhiệm vụ thả dây hơi cho người lặn và kéo họ lên.

Nghề lặn biển không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn rất cần sự dẻo dai, bền bỉ, khéo léo và tỉ mẩn. Những yếu tố đó không chỉ giúp chuyến đi biển thành công mà còn đảm bảo sự an toàn cho chính người thợ lặn. Chỉ một tích tắc thiếu cẩn trọng, họ sẽ phải trả giá bằng chính sự an toàn, thậm chí là mạng sống của mình. Thực tế, không ít thợ lặn đã phải bỏ mạng giữa “mồ chôn” biển cả. Nhiều người từng kể về những tai nạn bất ngờ ập đến dưới đáy biển. Ví như chiếc ống thở bị mắc kẹt trong những hốc đá, bãi san hô, mà nếu không khéo léo gỡ ra, họ có thể bị ngạt vì ống thở đứt hoặc nghẽn.

Một thử thách nữa đến với những người thợ lặn biển, đó là sự bất thường của thời tiết. Thông thường, trước mỗi chuyến ra khơi, họ nắm bắt tình hình thời tiết – yếu tố sống còn của nghề đi biển – nhờ thông tin cảnh báo từ các phương tiện truyền thông hay nhờ kinh nghiệm xương máu rút ra từ biết bao chuyến đi xa bờ. Nhưng, người ta vẫn nói “thất thường như thời tiết”. Sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Bão tố cũng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhẹ thì tàu thuyền có thể kịp tìm nơi trú bão để neo đậu. Nhưng nặng hơn thì họ phải tìm mọi cách để chống chọi với giông tố ngoài khơi. Bão đổ bộ đất liền đã rất khủng khiếp. Nhưng bão trên biển, giữa mênh mông sóng nước, tuyệt không một vật chắn che thì khủng khiếp cỡ nào, chắc chỉ những ngư dân đi biển mới có thể tường tận.

Với những người thợ lặn nhỏ bé, kinh hoàng nhất còn là những cơn sóng ngầm dưới đáy đại dương luôn chực chờ để nuốt chửng mọi vật. Thực tế, không ít người đã phải trả giá cho những chuyến lặn biển, có thể là di chứng về sức khỏe, có thể là mất mạng, thậm chí là mất xác.

Nhưng, có lẽ kinh hãi nhất vẫn là những chuyến lặn để săn cá chình biển. Lặn biển để mò bắt những con vật hiền hòa như ốc, trai ngọc, hàu, hải sâm... đã vất vả trăm bề, nhưng, lặn biển để bắt cá chình còn hãi hùng, vất vả hơn bội phần. Cá chình biển có vóc dáng to dài, sức mạnh kinh hồn cùng bộ hàm sát thủ và đặc tính dữ tợn. Để bắt được nó, con người phải trải qua một cuộc chiến thực sự và không hề cân sức, khi mà những người ngư dân nhỏ bé đang phải vật lộn dưới đáy đại dương, xung quanh chỉ có nước và đầy rẫy nguy cơ.

Chình càng lớn, càng nhiều năm tuổi, thịt càng dai và ngon nên càng được giá. Vì thế khi lặn biển, gặp chình, cánh thợ lặn sẽ cố bắn. Nhưng đấy là đối với những con nho nhỏ dăm bảy kg thôi, chứ loại chục kg trở lên thì phải tính toán. Bởi chỉ cần bắn trượt hoặc không đủ hạ gục, chúng sẽ điên cuồng giãy giụa, phản kháng. Theo lời nhiều ngư dân, vết cắn của chình rất độc. Nọc độc theo răng đi thẳng vào máu thợ lặn, nếu không kịp nhổ rong biển chà vào vết thương thì cứ chảy máu hoài, nhiễm trùng máu rồi chết.

Lặn biển săn bạch tuộc, cua là nghề rất vất vả. (Ảnh: Zing)

Rõ ràng lặn biển săn hải sản là một trong những nghề nguy hiểm, vất vả nhất liên quan đến biển. Nhưng đổi lại, giá trị kinh tế của những loại hải sản đánh bắt được lại rất lớn. Ví như hải sâm, loài hải sản được gọi là “thần dược” chưa bao giờ hết “hot” dù giá cả đắt đỏ. Hay như ngọc trai tự nhiên luôn là vật trang sức được ưa chuộng bởi sự quý hiếm, sang trọng. Cũng chính bởi thế nên đây là cám dỗ không nhỏ đối với ngư dân, khiến họ dù biết hiểm nguy bủa vây nhưng vẫn chọn “sinh nghề tử nghiệp”.

Hãi hùng đóng kháy hàng khơi, lặn biển săn… phế liệu

Đóng đáy hàng khơi tức là ngư dân giăng những miệng lưới trên biển khơi, để bắt con ruốc và một số loại cá, tôm. Người làm đáy hàng khơi thường chọn vị trí đóng đáy trên vùng biển cách đất liền khoảng 30 km, mực nước biển sâu khoảng 20 mét.

Ảnh minh họa: Internet.

Ở khu vực đóng đáy hàng khơi có nhiều chòi canh đáy, mỗi chòi cách nhau gần trăm mét, được liên kết với nhau bằng những đoạn dây thừng. Mỗi chòi do 2-3 ngư dân (còn được gọi là bạn chòi) ở cùng nhau, quản lý chung tầm khoảng 10 miệng đáy cho đến mùa thu hoạch. Họ sống trên chòi với sóng gió và nguy hiểm, chênh vênh giữa biển khơi mênh mông nước. Nhìn cảnh họ sống trên chòi mỗi khi những cơn sóng ập đến hoặc giữa khi biển động thì mới có thể hiểu tại sao đây lại là một nghề cực kỳ nguy hiểm.

Không chỉ săn hải sản, ở Việt Nam còn tồn tại nghề lặn tìm phế liệu dưới lòng đại dương. Để làm nghề này, ngư dân phải lao xuống biển cắt sắt từ những con tàu chìm. Đây là công việc đặc biệt vất vả. Vì không như những nghề săn hải sản khác chỉ cần dăm bữa nửa tháng, nghề săn phế liệu ở biển phải mất nửa năm, thậm chí cả năm trời mới có thể quay về bờ. Ngư dân phải mất chừng ấy thời gian để cắt xong một chiếc tàu chìm. Công việc này cũng cần sức lực nhiều hơn nghề đánh bắt hải sản. Đó là chưa kể đến việc xác định vị trí những con tàu chìm cũng không hề đơn giản.

Còn nhiều hơn nữa những công việc nguy hiểm, khổ cực, chứng tỏ sức khỏe phi thường và sự dẻo dai đến khó tin của ngư dân Việt. Tuy chấp nhận bán mạng cho biển, nhưng đây cũng là công việc tự nhiên như hơi thở của những người con vùng biển. Đời này nối tiếp đời kia, ngư dân dựa vào biển để mưu sinh nên biển đã ngấm sâu trong máu thịt, trở thành hồn cốt của họ.

Bởi vậy, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, không hề quản ngại khó khăn vất vả, những “đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”, với “câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Đó là sự hào sảng có lẽ chỉ những người dân miền biển mới có.

Lê Thịnh

Tin mới