Bất cứ ai khi làm răng sứ đều mong muốn có một nụ cười đẹp nhưng không phải ai cũng được như ý. Như trường hợp của chị T.N (Hà Nội), chị N mới chia sẻ hình ảnh hàm răng của mình sau 2 năm bọc răng sứ khiến nhiều chị em giật mình, khi đang có ý định muốn “cải thiện” nụ cười.
Cách đây khoảng 2 năm chị được bạn bè, người quen giới thiệu đến 1 Phòng Khám Nha khoa ở Hà Nội để làm dịch vụ bọc răng sứ. Tuy nhiên, sau khi làm răng về nhà, chị T.N có dấu hiệu bị viêm, chảy máu chân răng, thậm chí còn nhìn thấy chiếc răng thật hư hỏng, đen xì qua lớp sứ.
"Em tới phòng khám bảo kiểm tra lại thì bác sĩ cứ nói đủ lý do rồi kêu về bôi thuốc sẽ đỡ. Bác sĩ nói thế nhưng chân răng và cả thân răng thật đã đen xì thì bôi thuốc liệu có khỏi được không ạ?" . Chị T.N viết trên Facebook.
Chị T.N chia sẻ về tình trạng răng sau 2 năm bọc răng sứ.
Theo chia sẻ được đăng tải thì sau khi thăm khám, người phụ nữ này về nhà bôi thuốc như chỉ định của bác sĩ nhưng tình trạng viêm răng không hề giảm đi. Thậm chí sau 1 thời gian, lớp sứ còn bị tụt xuống khỏi lợi, để lộ chân răng. Cuối cùng, do tình trạng răng lợi ngày càng bị viêm, đau nghiêm trọng nên chị T.N phải đến phòng khám nha khoa khác để điều trị.
"Em không chịu được đau nữa nên phải đến nơi khác để tháo lớp răng sứ ra và điều trị. Giờ răng em nguy cơ bị hỏng, có khi gãy hết những cái răng bị mục đen", chị viết.
Những dòng chia sẻ của chị T.N nhanh chóng nhận được hơn 21.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 1.000 lượt chia sẻ và gần 7.000 lượt bình luận của cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều cho rằng, biến chứng răng khủng khiếp như vậy một phần do chị T.N chưa tìm được địa chỉ uy tín, một phần vì sau khi làm răng sứ, chị T.N không đi kiểm tra định kỳ.
Một số thành viên khác lại cho rằng, việc làm đẹp thường đi đôi với rủi ro, câu chuyện không may của chị T.N là lời cảnh tỉnh cũng là kinh nghiệm “xương máu” cho nhiều người lao vào làm đẹp bất chấp hậu quả.
Video: Quá trình phẫu thuật nâng mũi
Bọc răng sứ là phương pháp thẩm mỹ giúp làm đẹp răng được nhiều người ưa chuộng. Khi bọc răng sứ ai cũng phải trải qua công đoạn mài răng để giảm kích thước răng thật.
Trước khi mài răng, bệnh nhân sẽ được bác sỹ tiêm thuốc tê để làm tê cục bộ vị trí răng cần mài. Sau khi mài, mẫu răng sứ sẽ được chụp lên trên để bảo vệ ngà răng bên trong.
Kỹ thuật mài răng không hề đơn giản, khi tiến hành mài sẽ gây đau nhức, ê buốt do việc tác động trực tiếp lên răng, loại bỏ bớt lớp men răng bên ngoài.
Nếu mài răng không đúng kỹ thuật, xâm lấn tới cấu trúc răng thật thì sẽ ảnh hưởng lớn tới khớp thái dương, về lâu dài sẽ gây ra tình trạng ê buốt, đau đầu, và những hệ lụy nguy hiểm khác.