Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân
Mới đây, gần 30 người dân đại diện cho các hộ gia đình ở bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được tham gia buổi tập huấn đặc biệt về trồng rừng của Dự án Rừng An lành.
Dự án Rừng An Lành tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho bà con.
Buổi tập huấn về cách trồng rừng là một hoạt động cốt lõi trong dự án “Rừng An Lành” do Công ty Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm khởi xướng, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh “Thay thế chất hóa chất độc hại bằng các sản phẩm thiên nhiên an toàn, chăm sóc sức khỏe con người và bảo vệ sự bền vững của trái đất”, thực hiện cam kết trách nhiệm với cộng đồng.
Dự án Rừng An Lành khởi động năm 2022. Giai đoạn 1 dự án được bắt đầu với việc trồng 2ha rừng đầu nguồn giữ nước tại Ninh Thuận. Năm nay, Rừng An Lành tiếp tục mang những cánh rừng cho đồi trọc ở xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Cán bộ hạt kiểm lâm trực tiếp cầm tay chỉ việc cho bà con về kỹ thuật trồng cây.
ThS.Dược sĩ Thuận Thảo, người sáng lập Cỏ Mềm, chia sẻ: “Hướng dẫn bà con trồng rừng không đơn giản chỉ trồng cây xuống, vì sau khi chúng mình rời đi thì bà con mới là người chăm sóc. Nên để rừng lớn lên và tồn tại lâu dài thì cần tập huấn thay đổi tư duy cho bà con.”
Trong buổi tập huấn, bà con đã được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ việc chọn hiện trạng rừng, phát dọn thực bì, trồng cây và chăm sóc. Những kiến thức được truyền đạt tới bà con bằng hình thức trực quan, dễ tiếp nhận.
Ông Cà Văn Soong, 64 tuổi, chia sẻ sau buổi tập huấn: “Trước kia chúng tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm nên chưa hiệu quả, nhiều sai sót. Qua buổi tập huấn, này tôi đã biết thêm kỹ thuật trồng rừng, như mật độ thưa, dày như thế nào, tác hại của thuốc diệt cỏ ra sao.”
Kỳ vọng “trái ngọt” sau những nỗ lực bền bỉ
Buổi trồng rừng được đông đảo bà con bản Song hưởng ứng.
Giải pháp về một nền nông nghiệp tái sinh đang được triển khai trên nhiều quốc gia và cũng được áp dụng vào dự án Rừng An Lành tại Sơn La.
Anh Trần Đức Vinh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, cho biết: “Được Dự án hỗ trợ, chúng tôi chọn cây trám, cây mỡ và cây gió bầu để trồng trên 2ha rừng.
Khi trồng xen vào vẫn đảm bảo diện tích canh tác cho bà con, lấy ngắn nuôi dài. Cây trám đem vốn được trồng nhiều ở Sơn La đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cây trám sau khi trồng 5 - 6 năm có thể cho quả với giá trị lên đến 2 triệu đồng/cây, nếu 1ha có 100 cây thì mỗi năm người dân thu được từ 150 - 200 triệu đồng.”
Một câu chuyện thú vị khác về cây gió bầu là khi cây bị tổn thương sẽ tiết ra nhựa để bọc vết thương lại. Trầm đó chính là trầm hương để làm tinh dầu, nhang trầm, trang sức có giá trị cao. Theo thời gian giá trị của cây càng lớn, đó chính là mục tiêu bền vững mà dự án muốn dành cho người dân bản địa.
Các thành viên của dự án Rừng An Lành và bà con trong buổi trồng rừng.
Chị Lê Hồng Liên, Giảng viên Đại học Lâm nghiệp, quản lý chương trình của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD, bộc bạch: “Hôm nay chỉ là khởi động thôi, chúng tôi còn phải tổ chức nhiều buổi tập huấn theo từng giai đoạn để người dân thực hiện theo. Cán bộ của SRD phải thay đổi nội dung, công cụ cho sinh động hơn, thậm chí phải thay cả giảng viên để làm sao bà con thấy thích thú, mới mẻ.”
Chị Quàng Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La, cho biết: “Ngoài sự hỗ trợ của Dự án thì Đảng ủy xã cũng đưa ra chủ trương trong thời gian tới, mỗi hộ gia đình sẽ trồng ít nhất 50 cây rừng trở lên. Chúng tôi chọn cây trám để sau này có quả trám đem làm sản phẩm đặc trưng của địa phương và mang lại thu nhập cho người dân".
Ông Cà Văn Soong thực hành trồng cây theo kỹ thuật được tập huấn.
Chia tay Chiềng La, nhìn người dân Chiềng La phấn khởi trồng từng cây con trên mảnh đất của mình, những cán bộ dự án Rừng An Lành hiểu rằng hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé. Những nỗ lực của Rừng An Lành sẽ được tiếp bước bởi bà con nơi đây, để Chiềng La sớm được phủ xanh rừng, những mảng rừng an lành và có giá trị kinh tế sẽ là "trái ngọt" góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho bà con.